Phúc Khang Đông Sài Gòn lãi chưa đến 10.000 đồng/ngày

Trái ngược với nguồn vốn dồi dào, Công ty Phúc Khang Đông Sài Gòn ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm với lãi chưa đến 10.000 đồng/ngày và đối mặt nguy cơ vỡ nợ do gánh nặng nợ trái phiếu khổng lồ.
 
Phuc Khang Dong Sai Gon lai chua den 10.000 dong/ngay
 Phối cảnh dự án Rome By Diamond Lotus của Phúc Khang Đông Sài Gòn ở TP.HCM
Mới đây, công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn (công ty Phúc Khang Đông Sài Gòn - PV) đã công bố BCTC năm 2023. Theo đó, vốn chủ sở hữu của Phúc Khang Đông Sài Gòn ở mức 274,9 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 300 triệu đồng so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp “vỏn vẹn” 3,1 triệu đồng, giảm mạnh đến 99% so với mức lãi ròng trong năm 2022. Trước đó, công ty còn báo lãi ròng bán niên 2023 đạt 2,3 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 2,88, tương đương tổng nợ ở mức 792 tỷ đồng, trong đó 90% là dư nợ trái phiếu, khoảng 701 tỷ đồng.
Phuc Khang Dong Sai Gon lai chua den 10.000 dong/ngay-Hinh-2
 Báo cáo tài chính năm 2023 của Phúc Khang Đông Sài Gòn (Nguồn: HNX)
Phúc Khang Đông Sài Gòn hiện đang lưu hành lô trái phiếu KĐSGH2023001, được chào bán ngày 31/12/2020 với tổng giá trị 700 tỷ đồng (phát hành 7 triệu trái phiếu, mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu).
Lô trái phiếu này ban đầu có kỳ hạn 3 năm, đến tháng 3/2023 được điều chỉnh thành 5 năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản, lãi suất 11%/năm. Tổ chức tham gia thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
Toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, Phúc Khang Đông Sài Gòn sẽ sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động và hợp tác với đối tác để phát triển các dự án bất động sản tiềm năng.
Theo dữ liệu từ HNX, Phúc Khang Đông Sài Gòn đã không hoàn thành nghĩa vụ trả lãi cho lô trái phiếu này trong năm 2023. Cụ thể, số tiền phải thanh toán là 81,6 tỷ đồng, nhưng công ty mới chỉ thanh toán hơn 37 tỷ đồng. Lý do chậm thanh toán không được lý giải cụ thể.
Phuc Khang Dong Sai Gon lai chua den 10.000 dong/ngay-Hinh-3
 Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2023 của Phúc Khang Đông Sài Gòn (Nguồn: HNX)
Được biết, Phúc Khang Đông Sài Gòn được thành lập vào tháng 12/2013, với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt tại số 51 Ngô Thì Nhiệm, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (cùng địa chỉ Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang - Phúc Khang Corp).
Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp này là 50 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông là bà Lưu Thị Thanh Mẫu (70%) và bà Lưu Thị Bình Dân (30%). Trong đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu (SN 1978) là Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đến tháng 5/2014, cơ cấu cổ đông của Phúc Khang Đông Sài Gòn có sự thay đổi. Ông Lưu Văn Trung sở hữu 50% vốn; ông Phạm Hoàng Lương 20%; tỷ lệ sở hữu của bà Lưu Thị Bình Dân vẫn giữ nguyên. Đồng thời, vị trí Chủ tịch HĐTV cũng chuyển sang cho ông Phạm Hoàng Lương (SN 1964) đảm nhiệm.
Tháng 12/2020, doanh nghiệp địa ốc này tăng vốn điều lệ gấp 5 lần, lên 250 tỷ đồng. Thành phần thay đổi gồm: bà Lưu Thị Bình Dân (48%), ông Lưu Văn Trung (50%) và ông Phạm Hoàng Lương (2%) - vẫn là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp cho đến nay.
Theo tìm hiểu, Phúc Khang Đông Sài Gòn là một thành viên thuộc "hệ sinh thái" Phúc Khang Corp của vợ chồng doanh nhân Trần Tam (SN 1974) và Lưu Thị Thanh Mẫu.
Phúc Khang Corp được thành lập cuối tháng 4/2009, là một “ông lớn” trên thị trường địa ốc phía Nam với hàng loạt dự án như: EcoSun (Đồng Nai), Eco Village (Long An), Eco Town (TP.HCM), Diamond Lotus Riverside (TP.HCM), Diamond Lotus Lakeview (TP.HCM),...
Ngoài Phúc Khang Đông Sài Gòn, nhiều thành viên khác của Phúc Khang Group cũng từng huy động được lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu như Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đầu tư Phúc Khang (500 tỷ đồng), CTCP Bất động sản Ngôi nhà Hạnh phúc (200 tỷ đồng, mua lại trước hạn ngày 30/9/2021), CTCP Phúc Long Vân (1.350 tỷ đồng, mua lại trước hạn ngày 30/6/2023).
Thảo Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN