Phanh phui loạt hoạt động mờ ám của Địa ốc Alibaba

 Địa ốc Alibaba có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ "ảo"; công bố bán nền nhà, thu tiền trước tại nhiều dự án chưa đủ thủ tục pháp lý...
Sau khi ra văn bản cảnh báo Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM thông tin sai sự thật về dự án Alibaba Tây Bắc, chiều tối 16/11, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tiếp tục có công văn gửi các cơ quan, ban, ngành TP HCM để báo cáo về hoạt động kinh doanh bất bình thường của hai đơn vị này.
Theo báo Người lao động, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết thời gian qua, hiệp hội đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của doanh nghiệp và người tiêu dùng về trường hợp Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ "ảo"; công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch khu đô thị.
Các hoạt động này diễn ra trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, và gần đây là TP HCM, đã có tác động xấu làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp.
Trước vấn đề này, HoREA báo cáo về hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh.
Vốn điều lệ tăng "bất thường"
Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có mã số doanh nghiệp 0313788565. Đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Trụ sở chính của công ty này đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 3/12/2016 với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
Phanh phui loat hoat dong mo am cua Dia oc Alibaba
 Trụ sở Công ty địa ốc Alibaba trên đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh. Ảnh: Phunuonline.com.vn.
Đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/9/2017, vốn điều lệ lên đến: 1.600 tỷ đồng (góp vốn bằng tiền mặt).
Alibaba có 3 cổ đông gồm: ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc, là đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ, bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Alibaba có 1 chi nhánh đặt tại địa chỉ 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
HoREA nhận định, với số vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng của Alibaba quá lớn, bất thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản.
Tương tự, theo thông tin đăng tải trên báo Phụ nữ, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM thì đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ: 12.000 tỷ đồng.
Công ty này có 3 cổ đông: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ; ông Lê Xuân Sơn ngụ tại quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30%; bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5%.
Trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba Tây Bắc TPHCM cũng có một số điểm đáng ngờ.
“Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản.
Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đến 7.800 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng và bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng là không bình thường”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích.
Mời quý độc giả xem video: "Nhiễu loạn thông tin khiến đát nền tăng ảo". Nguồn: Tin Tức VTV24:
Nhiều hoạt động mờ ám
Ngoài ra, theo báo Người lao động, trên trang web của Công ty CP Địa ốc Alibaba (đã đóng website) có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do công ty này làm chủ đầu tư là không đúng sự thật.
Bởi trong các dự án đó, dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2 ha, với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải, trụ sở đặt tại địa chỉ số 16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hay khu đất "Dự án khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi" cho đến nay đang là dự án được Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư. Các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã được ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành, trả lời trên báo chí rằng không có dự án nào do Công ty CP Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư.
Với dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3, HoREA cho rằng việc Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án đất nền 97,58 ha thuộc khu đô thị này và đang công bố tung ra 1.000 nền nhà và huy động vốn trái phép bằng "phiếu đặt chỗ" nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền, nếu huy động đủ thì số tiền lên đến 50 tỉ đồng, có thể gây ra thiệt hại cho những người đặt chỗ mua nền và các nhà đầu tư thứ cấp.
Từ những thông tin thu thập được, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện Củ Chi theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn thành phố, có liên quan đến các công ty nêu trên để xử lý hoạt động huy động vốn trái pháp luật; chấn chỉnh hoạt động và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại các quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp; Bộ Luật Dân sự tương thích với Luật Kinh doanh bất động sản, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh những sơ hở, lỏng lẻo, thiếu phối hợp, tạo cơ hội cho kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng để huy động vốn trái phép khi bán bất động sản hình thành trong tương lai như đã xảy ra trong thời gian qua.
Bảo Ngọc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN