Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 2/2024 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024).
Theo danh sách được công bố, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 60.757 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm, với mức nợ thấp nhất hơn 1,2 triệu đồng đến cao nhất là hơn 57 tỷ đồng. Đáng nói, trong số 60.757 đơn vị vừa bị “bêu tên” nợ bảo hiểm có nhiều “ông lớn” bất động sản.
Danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 2/2024 còn có nhiều cái tên bất động sản “quen mặt” như: Công ty CP Lilama 3 (44,5 tỷ đồng); Công ty CP Bất động sản Thế kỷ (Cen Land, hơn 1,04 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 6 (20,5 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Vinaconex (4,1 tỷ đồng).
Cùng đó là, Công ty CP Đầu tư xây dựng Constrexim (3,3 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Nhà Hà Nội số 17 (2,5 tỷ đồng), Công ty CP KOSY (1,2 tỷ đồng); Công ty CP Hancorp (1,2 tỷ đồng); Công ty CP Danh Khôi miền Bắc (974 triệu đồng); Công ty CP Tập đoàn Housinco (965 triệu đồng); Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Hà Nội (833 triệu đồng), Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời Thủ đô (816 triệu đồng)…
Mặt khác, danh sách còn có Công ty CP Sữa Hà Nội chậm đóng bảo hiểm 26 tháng với 18,1 tỷ đồng; Công ty CP Sữa Quốc tế (3,9 tỷ đồng); Công ty CP CANIFA (2,3 tỷ đồng); Công ty CP TMDV 30 Shine (2,5 tỷ đồng); Công ty CP Vua Nệm (2,1 tỷ đồng); Công ty CP Sao Thái Dương (986 triệu đồng); Công ty CP Tập đoàn GIOVANNI (849 triệu đồng); Tập đoàn Bảo Việt (830 triệu đồng); Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị (682 triệu đồng)…
Đặc biệt, Công ty CP Anh ngữ APAX đứng đầu danh sách chậm đóng bảo hiểm 48 tháng với hơn 57 tỷ đồng.
Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014; không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT là vi phạm Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Các hành vi này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN có thể bị xử phạt hành chính theo quy định. Căn cứ khoản 5 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền phạt tiền từ 12 - 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm. Tối đa mức phạt tiền không quá 75 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng cho cơ quan BHXH; buộc nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung một số quy định gia tăng hình phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH, như phạt tiền theo ngày. Theo đó, trường hợp đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà đơn vị vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng từ 6 tháng trở lên, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; từ 12 tháng trở lên hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật…