Dự án được nói là có tên Dragon City, ở đường ĐT 749C, thuộc thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Theo lời giới thiệu, dự án có diện tích 12ha, bao gồm 600 lô đất nền, mỗi nền đất dao động từ 80 đến 160m2, giá 590 triệu đến 1 tỷ đồng.
Một số người nói đây là khu đô thị “lớn nhất Bình Dương” với các “tiện ích đồng bộ”, một nơi an cư lý tưởng và cơ hội đầu tư sinh lời nhanh. Tuy nhiên, UBND huyện Bàu Bàng lại cho biết, trên địa bàn hiện có 16 dự án xây dựng khu dân cư nhưng không có dự án nào mang tên Dragon City.
“Thị trấn Lai Uyên không có dự án nhà ở thương mại tên là Dragon City. Người dân có nhu cầu mua đất nên liên hệ với địa phương để được hướng dẫn, tránh bị lừa”, lãnh đạo huyện Bàu Bàng nói. Theo tìm hiểu của PV, vị trí “Dragon City” được UBND tỉnh Bình Dương cấp cho dự án xây dựng nhà ở thương mại Tuấn Điền Phát. Nhưng cũng tại khu vực này, nhiều nhân viên môi giới bất động sản đến từ TPHCM đưa khách hàng đến giới thiệu lại nói, đây là đất của dự án Khu đô thị Đức Phát 3 - Dream City.
Không chỉ Dragon City, còn nhiều dự án tương tự như Khu dân cư Phúc Long City, khu dân cư Happy Home tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 2, khu dân cư Green City 3 tại xã Lai Hưng, Bàu Bàng. Các dự án này dù chưa được cấp phép nhưng Công ty Bình Dương City Land đã thu tiền của hàng trăm khách hàng. Trong khi, những khu đất mà công ty này rao bán hiện chỉ là bãi đất trống thuộc sở hữu của người dân.
Đầu năm nay, sau hơn 2 năm bỏ tiền mua đất nhưng chưa nhận được đất, hàng trăm khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Bình Dương City Land ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương đòi lại tiền. Cơ quan chức năng cũng nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân.
Sau đó, công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 lãnh đạo Công ty Bình Dương City Land gồm Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc và Hoàng Anh Vui, phó giám đốc.
Không chỉ Bình Dương, Long An cũng đang là mảnh đất màu mỡ của các loại dự án “ma”. Hàng trăm khách hàng gần một năm nay sống dở chết dở vì mua đất nền dự án “ma” tại đây. Nhiều khách hàng cho biết, họ đã đặt cọc thanh toán 300- 400 triệu đồng/nền tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án Đất Xanh Long An ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa của Công ty TNHH MTV BĐS Đất Xanh Long An làm chủ đầu tư cũng gom tiền của dân. Cơ quan chức năng cho biết, cả hai dự án trên chưa được phê duyệt.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, dự án Hưng Thịnh Cát Tường rộng 9,4 ha, theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt thì dự án này có tổng cộng 14 khu nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh lại mở bán và hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giai đoạn 2 của một dự án rộng 27 ha nằm ngoài những khu quy hoạch, chưa được cấp phép.
“Vẽ” dự án thu tiền
Đầu năm 2020, hàng trăm người dân đổ tiền vào mua sản phẩm của hai dự án của Đất Xanh Long An và Hưng Thịnh Cát Tường hay tin đã đụng phải dự án “ma”. Lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An khẳng định cho đến thời điểm này, UBND tỉnh Long An chưa hề cấp giấy phép đầu tư cho dự án cho Công ty Đất Xanh Long An. Sở Xây dựng Long An cho biết, hiện nay thanh tra sở đang thanh tra toàn diện dự án của Công ty Đất Xanh Long An.
Văn phòng của Công ty Hưng Thịnh và Đất Xanh Long An, cùng có địa chỉ tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An nhưng từ đầu năm đến nay đã cửa đóng then cài, khách hàng đến đòi lại tiền đành ngậm ngùi ra về.
Mới đây, hàng trăm khách hàng đã làm đơn tố cáo lãnh đạo hai công ty này là bà Nguyễn Kim Phượng - đại diện pháp luật của Công ty Hưng Thịnh và bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty Đất Xanh Long An về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở Đồng Nai. Tháng 1/2019, chị T ngụ tại TP Biên Hòa mua một lô đất nền tại dự án Trảng Bom Garden tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom của Cty CP địa ốc Tiến Nam Hưng. Công ty này “vẽ” ra dự án có quy mô 34 nền, diện tích 110 - 150 m2/nền và cam kết với khách hàng có pháp lý sổ hồng riêng, 100% thổ cư… Theo thỏa thuận, chị T đã giao 250 triệu đồng, công ty cam kết sẽ hoàn tất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng trong thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua Công ty Tiến Nam Hưng vẫn chưa thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng và đã nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện.
Đến nay, diện tích đất của dự án Trảng Bom Gaden vẫn là đất… trồng cây hàng năm. Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai cho biết, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp làm dự án khu dân cư tự ý mua bán dưới hình thức cam kết góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư... Thực chất là họ chuyển nhượng khi dự án chưa hoàn thành hạ tầng và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Việc này được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của các bên nên dù sở biết nhưng không đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai”- ông Thường nói.
Trước tình trạng hàng loạt dự án bất động sản sai phạm và có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều dự án “ma” gây nhiễu loạn thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, đã đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp để xử lý, chấn chỉnh dự án bánh vẽ nhằm ổn định tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.
Bình Ba vắng lặng sau cơn sốt đất
Ngày 4/3, hai tuần sau cơn sốt đất, xã Bình Ba ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) trở lại vắng lặng. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết sau thời gian ngắn xảy ra “sốt đất” xã Bình Ba đã ổn định trở lại không còn tình trạng “người mua kẻ bán” tạo nên sốt giá đất ảo. Theo ông Liêm, người mua đất từ các nơi khác kéo đến khi có thông tin một tập đoàn đến địa phương này đầu tư dự án. Dù đó mới là thông tin ban đầu nhưng đã gây sốt đất. “Thực ra, một miếng đất người ta mua qua bán lại đẩy giá lên chứ biến động đất đai tại địa phương không xảy ra”, ông Liêm nói.