Nhiều bị hại trong vụ Địa ốc Alibaba được nhận lại đất

TAND TP HCM đã công bố chi tiết số tiền bồi thường cho 4.548 bị hại trong vụ án, trong đó có 58 bị hại và người có quyền lợi liên quan được nhận lại đất.
Ngày 30/12, Hội đồng xét xử TAND TP HCM tiếp tục tuyên án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), với phần công bố chi tiết số tiền bồi thường cho 4.548 bị hại trong vụ án.
Nhieu bi hai trong vu Dia oc Alibaba duoc nhan lai dat
Khách hàng tập trung tại phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Aliabba. (Ảnh: VTC News) 
HĐXX đã công bố chi tiết số tiền bồi thường cho 4.548 bị hại trong vụ án, trong đó có 58 bị hại và người có quyền lợi liên quan được toà tuyên cho nhận lại đất. Sở dĩ những người này được tuyên cho nhận lại đất vì tại thời điểm ký thỏa thuận hợp đồng với pháp nhân (công ty con) của Công ty Alibaba thì các thửa đất trên thực tế đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) hợp pháp, đồng thời các thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện và đã thanh toán từ 50-100%.
Tuy nhiên, các trường hợp trên nếu chưa thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng thì phải thanh toán phần còn lại của hợp đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Sau khi thực hiện xong, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên và hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với các thửa đất này để những người này thực hiện cập nhật biến động sang tên trên giấy chứng nhận.
Ngoài ra, đối với các thửa đất mà các bị cáo nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp từ người dân mà đã công chứng, thanh toán tiền, HĐXX xét thấy các bên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao đất kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thanh toán tiền. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng theo quy định của pháp luật.
Đối với các giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bị cáo và các hộ dân đang dừng lại ở việc đặt cọc. HĐXX xét thấy số tiền đặt cọc Công ty Alibaba đã thanh toán cho chủ đất có nguồn gốc từ phạm tội mà có. Đồng thời các bên mới đặt tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng nên chấp nhận yêu cầu xin nhận lại đất của các chủ đất. Các chủ đất này có nghĩa vụ nộp lại số tiền đã nhận cọc vào tài khoản cơ quan thi hành án. Sau khi các chủ đất nộp lại số tiền nói trên thì cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên các thửa đất này.
Trong nhóm nhóm 39 bị hại đề nghị tiếp tục thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng đất nền dự án, tuy nhiên những người này đã nộp tiền, HĐXX xác định thiệt hại của các bị hại này là có trên thực tế và tuyên buộc các bị cáo Nguyễn Thái Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà các bị hại này đã nộp cho Công ty Alibaba.
Trước đó, chiều 29/12, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo bị Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, cựu Tổng giám đốc tài chính công ty Alibaba) lãnh án 30 năm tù, bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) lãnh án 27 năm tù về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị phạt mức án 3 năm tù về tội “Rửa tiền” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Các bị cáo khác bị phạt mức án từ 10-19 năm tù về cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho 4.548 bị hại số tiền gần 2.400 tỷ đồng.
>>> Xem thêm video: Xét xử Đường "Nhuệ" liên quan hoạt động dịch vụ mai táng

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN