Nền kinh tế đã có điểm sáng sau thời gian dài khó khăn

Những khó khăn của nền kinh tế hiện diện qua nhiều chỉ số giảm, doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm… Tuy nhiên bằng nhiều giải pháp, Chính phủ và các Bộ ngành đang từng bước vực dậy nền kinh tế, thị trường bất động sản...
5 tháng đầu năm nhiều thách thức
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, sản xuất công nghiệp có tăng 2,2% so với tháng trước nhưng tính chung 5 tháng lại giảm 2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm. Còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo này, trong tháng 5, hơn 12.000 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm khoảng 24% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp được thành lập mới giảm gần 10%. Số vốn đăng ký cũng giảm 17,5%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 5 tháng đầu năm tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88.000 doanh nghiệp. Bình quân một tháng, 17.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn đi xuống khi lo ngại những khó khăn và rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt có thể kéo dài.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương trình Chính phủ đầu tháng 5, Bộ cũng lưu ý về khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, khi mà số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2018, cho thấy quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, gỗ hay thủy sản phản ánh thiếu đơn hàng, khó khăn trong tiếp cận vốn, công nhân mất việc. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công nhận định, ngành dệt may gặp muôn trùng khó khăn vì thiếu đơn hàng. Quý đầu năm, doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng sẽ được hồi phục trong quý II-III, nhưng nay tới tháng 5 vẫn không khả quan. Các đơn hàng giảm khoảng 60-70% ở các thị trường như Mỹ, châu Âu; một số thị trường khác giảm 30-40%.
Hay ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nói ngành tôm đang gặp khó do lạm phát, suy thoái khiến nhu cầu bị thắt chặt, sức tiêu thụ giảm. Ông Lực cho rằng giá tôm còn có thể giảm mạnh hơn nữa, khi các nước nuôi tôm ở Nam bán cầu như Ecuador hay Indonesia vào vụ thu hoạch từ cuối quý I, cung cấp sản lượng rất lớn.
Nen kinh te da co diem sang sau thoi gian dai kho khan
 
Vượt qua khó khăn và những điểm sáng
Bên cạnh khó khăn, nền kinh tế cũng ghi nhận nhiều điểm sáng trong 5 tháng đầu năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước đón gần 4,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35%, tháng 4 tăng 2,81% và đến tháng 5 mức tăng còn 2,43%.
Nhiều chính sách điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế cũng đã được đẩy mạnh. Bộ Tài chính đề xuất năm 2023 giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 5% một năm. Đây là lần thứ hai nhà điều hành giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến nay, hơn 20 ngân hàng hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất niêm yết cao nhất về 8,5% một năm.
Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với bất động sản, thị trường cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều dự án bất động sản tại TP HCM, Đồng Nai được đưa ra giải pháp tháo gỡ. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa thông tin về kết quả giải quyết 101 kiến nghị liên quan 96 dự án của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, 10 kiến nghị đã được hoàn thành giải quyết. 73 kiến nghị đang được thực hiện. 7 kiến nghị đang tạm dừng giải quyết. 2 kiến nghị không phù hợp với pháp lý hiện tại. 2 kiến nghị không thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở này. Nhiều doanh nghiệp như Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh... được tháo gỡ loạt dự án, từ đó khởi động trở lại một số khu đô thị lớn ở Đồng Nai, Phan Thiết.
Thị trường bất động sản rục rịch chạy lại. Tính từ đầu năm 2023 cho đến hết trung tuần tháng 5, Nam Long ghi nhận doanh số bán hàng đạt 448 tỷ đồng từ các dự án Mizuki Park, Akari City và Waterpoint. Một số dự án khác được bung hàng, chủ đầu tư áp dụng các hình thức khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất để kích cầu thị trường, thanh khoản, kỳ vọng sự phục hồi vào cuối năm nay.
Dũng Uyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN