Lâm Đồng xử lý dự án 'núp bóng' hiến đất làm đường thế nào?

Đối các khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tuyệt đối không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa và kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng và kinh doanh bất động sản theo đúng quy định; tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng và quy hoạch đô thị.
Đồng thời, các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, lập, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn theo thẩm quyền; trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Trong đó, riêng đối với quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định, trình UBND tỉnh trước ngày 31/3/2023.
Lam Dong xu ly du an 'nup bong' hien dat lam duong the nao?
Lâm Đồng xử lý DA “núp bóng” hiến đất làm đường như thế nào? (ảnh minh họa: Internet). 
Đối với các khu vực, diện tích mà hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất là các dự án kinh doanh bất động sản), UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo từng nhóm có liên quan.
Cụ thể, với những khu vực, diện tích đất phù hợp các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì hướng dẫn các trường hợp có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Sau đó, lập dự án đầu tư, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng và tiến hành xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng...
Sau đó, cơ quan chức năng hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã điều chỉnh thống nhất; đồng thời thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã rồi lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Riêng với các khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm; tuyệt đối không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm, phải đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho phép tiếp tục giải quyết các trường hợp hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp đường giao thông dự kiến phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.
Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hướng xử lý vi phạm trong hiến đất làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định trên địa bàn trong tháng 3/2023.
Liên quan đến việc “phân lô, tách thửa”, tháng 9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, đảm bảo việc phân lô, tách thửa, chuyển nhượng trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định về kinh doanh bất động sản.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP; dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt; việc hình thành các tuyến đường giao thông tại khu vực hiến đất làm đường phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành có liên quan và phải được cấp phép xây dựng theo quy định.
Trước đó, tháng 1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, nhưng thực chất hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo, giao dịch tương tự các dự án bất động sản.
Giai đoạn 2019 – 2021, tình trạng phân lô bán nền tại Lâm Đồng diễn biến phức tạp, chủ yếu tập trung ở hai “điểm nóng” là thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Hơn 100 khu đất được san ủi, quảng cáo là dự án bất động sản nhưng thực chất đây là những khu đất do cá nhân, hộ gia đình xin hiến đất làm đường rồi tách thửa đất.
Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN