Kiến nghị điều tra việc sử dụng nhà đất tại GVR, TCT Lâm nghiệp và TCT Chè

Thanh tra Chính phủ nêu nhiều vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty chè Việt Nam.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam giai đoạn từ 1/1/2010 đến 31/12/2017.

Theo kết luận này, cơ quan thanh tra cho biết Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) hiện đang quản lý và sử dụng diện tích đất là 371.348 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 361.647 ha, đất phi nông nghiệp chiếm 9.701 ha.

Tính đến ngày 31/12/2017, 92% diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD); khoảng 8% còn lại chưa được cấp giấy CNQSD đất vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có phần đất dự kiến bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nên không lập hồ sơ và đất đang tranh chấp.

Công tác xác định, cắm mốc đo đạc, lập bản đồ địa chính của Tập đoàn Cao su mới chỉ thực hiện được khoảng 84,4%, diện tích chưa thực hiện còn khoảng 15,6% dẫn đến số liệu về diện tích đất còn chưa chính xác.

Tính đến ngày 31/12/2017, các đơn vị thuộc tập đoàn còn để hơn 10.710 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác, chủ yếu là người dân lên tới 1.737 ha.

Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, VRG quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đấy là 1.200,39 ha, diện tích nhà là 1.176.187 m2 thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp xếp.

Đến cuối năm 2017, Tập đoàn mới chỉ trình cơ quan chức năng phê duyệt xử lý 43 cơ sở; 716 cơ sở còn lại hiện chỉ mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng.

Cơ quan thanh tra cho rằng việc VRG cho thuê một phần diện tích văn phòng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật và cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn, chiếm chưa thu hồi được.

Kien nghi dieu tra viec su dung nha dat tai GVR, TCT Lam nghiep va TCT Che
Thanh tra Chính phủ nêu nhiều vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Tại Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cho hay Tổng công ty được giao quản lý, sử dụng 83 cơ sở nhà, đất và đến nay sắp xếp xử lý được 7 cơ sở, còn lại 76 cơ sở chưa được xử lý, sắp xếp theo quy định.

Ngoài ra, Tổng công ty còn để tồn tại hơn 7.300 ha đất bị lấn, chiếm chưa thu hồi (chiếm trên 15% tổng diện tích được giao, thuê). Việc lấn chiếm này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn 2005 về trước.

Tại Tổng Công ty Chè Việt Nam, ở thời điểm tranh tra còn để gần 500 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở tỉnh Phú Thọ, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Tổng Công ty này còn "đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định" thoái vốn không thông qua đấu giá", vi phạm nhiều quy định liên quan.

Từ kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra  kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra xác minh để xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất ở 12 cơ sở của các tập đoàn, tổng công ty nêu trên.

Cụ thể, số 67 Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), số 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), khu đất 1.500 m2 tại phố Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), kho Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), số 126 Lạch Tray (Ngô Quyền, Hải Phòng), số 341 Vạn Mỹ (Hải An, Hải Phòng).

Khu đất 13.147 m2 tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), khu đất 11.022 m2 (vườn ươm trồng chè), khu đất 15.123 m2 (nhà máy chè Vân Hồ) và khu đất 5.402 m2 (nhà máy Chè Chiềng Đi) tại Mộc Châu (Sơn La), số 59 An Bình (quận 5, TP HCM) và số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM). 

Liên quan đến vụ việc, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ thường trực Trương Hòa Bình đối với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Trong đó, Phó Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN