Thành phố Hà Nội hiện có hơn 170 dự án nhà tái định cư với hơn 14.200 căn hộ, trong đó có khoảng 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang. Ngoài ra, nhiều dự án có người dân về ở nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 cũng bị bỏ hoang, lãng phí do không có người thuê.
Có thể kể đến một số dự án như, tòa nhà Khu tái định cư N01 - C17 nằm ngay tại ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân (Cầu Giấy), đây được coi là khu “đất vàng”, nằm giữa khu đô thị mới sầm uất, thế nhưng lại bị bỏ hoang hơn 11 năm nay. Tòa nhà vẫn trong tình trạng xây dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thành gây mất mỹ quan đô thị. Mặc dù chưa đưa vào sử dụng nhưng công trình này đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Những mảng tường bám đầy rêu mốc, lớp sơn phủ bong tróc. Hệ thống lan can bằng kim loại đã gỉ sét ít nhiều, xung quanh khuôn viên, cỏ mọc cao quá đầu người…
Cũng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy là Dự án nhà ở tái định cư A14 Khu đô thị Nam Trung Yên. Dù đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng đến nay, 2 toà nhà này vẫn bị bỏ hoang.
Còn các tòa nhà N03, N04, N05 thuộc dự án nhà ở tái định cư trong Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) bị bỏ hoang hơn 20 năm đã biến thành nơi vứt rác, tập kết phế liệu tự phát, trồng rau...
Một dự án nữa là khu tái định cư Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) nằm trong ngõ 587 Tam Trinh, gần khu đô thị Gamuda Garden. Dự án được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Hiện, dự án này có 2 tòa nhà chung cư cao 9 tầng và 15 tầng được xây dựng từ năm 2018 đã cơ bản hoàn thiện nhưng không có người về ở…
Người dân phản ánh, nguyên nhân các khi nhà tái định cư bị bỏ hoang là do chủ đầu tư đưa ra mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chính sách bố trí tái định cư không hợp lý, cho nên không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thì cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí là do phần lớn dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt. Nhiều khu vực thiếu hạ tầng xã hội như trường học, chợ, bệnh viện. Ngoài ra, một số dự án gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp, chưa hoàn thành nghiệm thu, nhất là các quy định về phòng cháy, chữa cháy... cho nên chưa thể bàn giao cho đơn vị quản lý.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khi làm nhà tái định cư thì phải xác định, tại sao có nhà tái định cư? Nhà tái định cư của ngân sách nhà nước là nhà xây dựng dùng để di dời người dân, phải giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án của nhà nước, ví dụ như mở đường hoặc làm công trình an ninh quốc phòng. Như vậy, rõ ràng người dân sẽ thiệt thòi, cho nên khi xây dựng nhà tái định phải đáp ứng được yêu cầu của người ở. Người dân phải được ở nơi có trường học cho con cái đi học, có điều kiện thuận lợi để làm việc, chứ ko phải xây nhà tái định cư ở một nơi “đồng không mông quạnh” rồi đưa người dân sang đó ở và cho đó là tái định cư. Tư duy ấy ko đúng. Nhà tái định cư cho dân phải tốt hơn nơi ở cũ.
“Để giải quyết vấn đề này, có 2 phương án. Thứ nhất, nhà tái định cư nếu không sử dụng được thì có thể chuyển đổi làm nhà ở xã hội. Thứ 2, có thể chuyển đổi công năng của nó, tức cải tạo, sửa chữa trở thành công trình nhà ở cao cấp hơn. Do đó, vấn đề hạ tầng văn hóa, hạ tầng kỹ thuật cần phải được tính toán đến, không thể xây dựng một công trình chơ vơ, không kết nối với giao thông, trường học, bệnh viện hay kết nối các điều kiện của con người”, KTS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Bố trí tái định cư tại chỗ một cách linh hoạt
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản nêu quan điểm, bố trí tái định cư là chủ trương, chính sách đúng đắn, có điểm xuất phát nhân văn nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho các hộ gia đình đã phải “hy sinh” nơi ở của mình cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại một số địa phương đã tạo ra những khu tái định cư bị bỏ hoang, trở thành “rác thải đô thị”; Nhiều dự án nhà ở tái định cư sau nhiều năm bị bỏ hoang đã biến thành nơi vứt rác, tập kết phế liệu tự phát, trồng rau..., tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội.
Ông Đỉnh thừa nhận, hiện nay, công tác bố trí tái định cư thực hiện chưa tốt, vị trí dự án tái định cư thường triển khai tại nơi cách xa khu vực có đất bị thu hồi và có hạ tầng kết nối chưa tốt, thiếu dịch vụ tiện ích, chất lượng xây dựng kém nên người dân không mặn mà, dẫn đến nhiều dự án tái định cư đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Người dân vốn ác cảm với nhà tái định cư bởi định kiến đó là sản phẩm chất lượng kém nên không sử dụng.
Theo ông Đỉnh, giải pháp tình thế để khắc phục tình trạng các dự án tái định cư đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước là cho phép chuyển đổi công năng, mục tiêu thành nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Đây là giải pháp thích hợp và cần thiết trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là các khu nhà tái định cư sau nhiều năm bỏ hoang đã xuống cấp, hư hỏng và thường có thiết kế căn hộ, công năng “lỗi mốt”, thiếu tiện nghi nên rất khó thu hút người mua. Do đó, cần tính đến giải pháp lập quy hoạch chi tiết khu nhà ở thương mại cao tầng và tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư được chọn sẽ phá dỡ để xây dựng dự án mới khang trang, hiện đại.
Trong hoạch định chính sách phát triển nhà ở thời gian tới, việc bố trí tái định cư không nên thực hiện theo dự án riêng biệt, điều này có thể dẫn đến khu tái định cư thường cách xa khu vực có đất bị thu hồi và có hạ tầng kết nối chưa tốt, thiếu dịch vụ tiện ích, chất lượng xây dựng kém nên người dân không mặn mà. Thay vào đó, tái định cư nên gắn với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Nhà nước phải dành quỹ đất sạch ngay trong đồ án quy hoạch khu đô thị, nhà ở thương mại để xây dựng nhà tái định cư.
“Các giải pháp khác là bố trí tái định cư bằng căn hộ nhà ở xã hội, đặt hàng mua nhà ở thương mại bố trí tái định cư. Với phương án này, người dân được quyền chọn mua căn hộ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong các dự án trên địa bàn và được sử dụng các công trình hạ tầng, tiện ích, dịch vụ sẵn có trong dự án. Các giải pháp này đã được một số địa phương đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở”, ông Nguyễn Văn Đỉnh cho hay.
Theo ý kiến các chuyên gia quy hoạch - xây dựng, việc xây dựng sẵn các quỹ nhà tái định cư phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thành phố nên mở rộng các hình thức tái định cư khác, nhất là tái định cư bằng tiền để người dân tự bố trí chỗ ở. Đối với quỹ nhà tái định cư đang bỏ hoang, càng để lâu các căn hộ tái định cư càng xuống cấp nhanh chóng và mất giá trị. Để khai thác quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, thành phố cần sớm xem xét, đưa ra phương án thu hồi và tổ chức đấu giá, chuyển đổi công năng thành nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội bán cho người dân có nhu cầu, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, tránh lãng phí.