Gỡ 'điểm nghẽn' cho thị trường bất động sản như thế nào?

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Chiều 16/12, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã tổ chức đại hội lần thứ 4 nhiệm kỳ 2022 - 2027 để báo cáo hoạt động nhiệm kỳ 3 (217 - 2022) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 4.
Thị trường bất động sản đang đối mặt nhiều thách thức
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong 9 tháng năm 2022, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu dần phục hồi với nguồn cung 11.600 căn nhà, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi sức mua sụt giảm khiến tính thanh khoản của thị trường và các chủ đầu tư cũng giảm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt, thiếu vốn lưu động nên một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giãn tiến độ đầu tư, giảm nhân sự. 
Trong thời gian qua, chủ đầu tư, người mua nhà lẫn nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, vay được thì phải chịu lãi suất vay cao hơn. Các chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hơn trước, khó huy động nguồn vốn khách hàng.
Ông Châu cho biết, theo lộ trình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024 nên trong gần 2 năm tới, hàng trăm dự án nhà ở thương mại vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn.
Do vậy, HoREA kỳ vọng đến năm 2023, Trung ương sẽ hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, là giải pháp có tính quyết định nhất để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường bất động sản toàn, lành mạnh, bền vững.
Go 'diem nghen' cho thi truong bat dong san nhu the nao?
 Ông Lê Hoàng Châu phát biểu tại đại hội.
Hiệp hội kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng và các cơ quan thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công; Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét trong 12 tháng tới chưa áp dụng quy định tiêu chí nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, cho giãn tiến độ thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn thêm 24 tháng và cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thỏa thuận với nhà đầu tư mua trái phiếu để hoán đổi trái phiếu sang cổ phiếu, sản phẩm bất động sản, nhà ở hoặc tài sản khác.
Đối với UBND TP HCM, HoREA đề nghị UBND TP chủ trì cuộc họp để thống nhất thực hiện trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cấp D trên địa bàn TP. Tiếp tục chỉ đạo xem xét giải quyết hơn 100 dự án vướng mắc của các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác cấp sổ cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại.
Tại đại hội, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết lãnh đạo TP luôn đánh giá cao sự đóng góp của HoREA, doanh nghiệp bất động sản vào sự phát triển bất đô nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. HoREA có nhiều góp ý, kiến nghị thiết thực, đặc biệt là góp ý vào các dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi…
Doanh nghiệp cần tránh lệ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, TP nhận thấy vướng mắc khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải vì bất cập của quy định pháp luật hiện hành. TP cũng tập trung chỉ đạo các sở ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì qua đó cũng tạo nguồn thu, kích thích tăng trưởng kinh tế cho TP
Ông Quân cho rằng vướng mắc chủ yếu hiện nay tập trung ở các quy định pháp luật thuộc phạm vi của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương như việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, cơ chế giáo đất - cho thuê đất… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
“Qua rà soát, các khó khăn vướng mắc các dự án trên địa bàn TP HCM hiện nay có thể chia làm 3 nhóm: nhóm không thể tháo gỡ được, nhóm có thể tháo gỡ được, nhóm phải tập hợp hồ sơ báo cáo lên cơ quan cấp trên để tháo gỡ những điểm nghẽn”, ông Quân nói.
Để sớm tháo gỡ các khó khăn, TP đề nghị HoREA trong các kiến nghị đề xuất, phải xác định được thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm cụ thể của các sở ngành có liên quan. Tổng hợp, phân loại các loại vướng mắc, kiến nghị cụ thể và có phương hướng giải quyết phù hợp quy định pháp luật của từng vụ việc.
Go 'diem nghen' cho thi truong bat dong san nhu the nao?-Hinh-2
 Thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành tích cực trong cải cách hành chính, tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư xây dựng nhà ở, đất đai, góp phần phát triển thị trường bất động sản, trong đó tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể về đất đai, quy hoạch, xây dựng...
“TP HCM đã tạo một quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng của TP. Góp phần khắc phục khó khăn của chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. TP cũng kiến nghị và đề xuất với Chính phủ thay đổi các quy định về vốn chủ sở hữu, vốn pháp định đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực tài chính đầu tư phát triển dự án bất động sản”, ông Quân nói.
Ông Quân cũng đề nghị, các sở ngành liên quan phối hợp với HoREA, kiến nghị Chính phủ xem xét thí điểm một số công cụ tài chính bất động sản mới như phát triển quỹ tín dụng khai thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở… để tránh lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn tính dụng từ các ngân hàng.
Đối với danh nghiệp, ông lưu ý cần nghiên cứu các giải pháp tái cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phát triển phân khúc nhà ở bình dân, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu sau đại dịch COVID-19; Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để hạn chế vốn vay quá lớn, phát sinh chi phí quá cao…

Đại hội Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) lần thứ 4 nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã chính thức bầu ra ban chấp hành mới. Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hiệp hội HoREA.

Ban Chấp hành HoREA nhiệm kỳ 2022-2027 có 29 người gồm 1 Chủ tịch, 9 Phó Chủ tịch và 19 Uỷ viên Ban chấp hành. Ban Kiểm tra có 3 người, trong đó Trưởng và Phó Ban kiểm tra đều là Uỷ viên ban chấp hành, 1 uỷ viên ngoài Ban chấp hành. 

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN