Gần 200 ha 'đất công thành đất ông' ở Bình Dương: Cơ quan chức năng nói gì?

Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) đã thực hiện 2 vụ chuyển nhượng đất công gần 200 ha với giá thấp hàng chục lần so với quy định, nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Gần 200 ha “đất công thành đất ông”

Quá trình biến gần 200 ha đất công về tay doanh nghiệp tư nhân được TCT Bình Dương thực hiện qua nhiều giai đoạn, chia thành 2 thương vụ. Theo đó, khu đất 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (hiện đang thực hiện Khu đô thị (KĐT) Tân Phú) là tài sản công nhưng TCT Bình Dương (thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý) đã tự ý lấy đất để góp vốn thay vì góp bằng tiền mặt theo chủ trương của Tỉnh ủy.

TCT Bình Dương còn “qua mặt” đơn vị chủ quản để chuyển nhượng khu đất không qua đấu giá. Mức giá mà Hội đồng thành viên TCT Bình Dương chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú đối với khu 43 ha chỉ hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương hơn 581.000 đồng/m2, trong khi căn cứ theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương (ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn) thì bảng giá đất ở đô thị tại dự án KĐT Tân Phú mức giá chuẩn là: Tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.

Theo quy hoạch 1/500, vị trí 1 của dự án sẽ chiếm khoảng 100.000 m2 đất ở và nếu được áp giá theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì trị giá của nó đã là khoảng 2.457 tỷ đồng. Với diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì trị giá khoảng 667 tỷ đồng. Như vậy trị giá đất KĐT Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, cao gấp gần 12,5 lần so với giá TCT Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú. Trong khi đó, bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương được áp dụng cho 43ha thì trị giá đất sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, nếu áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương ban hành cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì vào thời điểm cuối năm 2016 ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát và nếu áp dụng cho cả 43ha thì con số thất thoát có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.

Một khu đất khác rộng hơn 145 ha nằm liền kề khu 43 ha được TCT Bình Dương chuyển nhượng bằng hình thức tương tự với giá thấp hơn rất nhiều lần so với quy định, nâng tổng diện tích 2 khu đất lên gần 200 ha. Khu đất 145ha được TCT Bình Dương chuyển nhượng sau đó cho các công ty con (do vị Chủ tịch TCT Bình Dương Nguyễn Văn Minh nắm giữ cổ phần lớn) đã làm 2 sân golf, gồm: Golf Phú Mỹ Twin Doves và golf Tân Thành - Harmonie.

Gan 200 ha 'dat cong thanh dat ong' o Binh Duong: Co quan chuc nang noi gi?
Chuyển nhượng đất công với giá rẻ mạt ở Bình Dương 

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan vụ việc, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương (đại diện cho đơn vị chủ quản của TCT Bình Dương) khẳng định: TCT Bình Dương dùng đất để góp vốn tại các doanh nghiệp khác là trái với chủ trương của tỉnh ủy. Hành vi sai trái của TCT Bình Dương bị phát hiện và ngay lập tức Tỉnh ủy Bình Dương ban hành quyết định thu hồi văn bản đã ký trước đó với nội dung cho TCT Bình Dương góp vốn tại các công ty thuộc khối liên doanh.

Cùng với việc thu hồi văn bản, Tỉnh ủy Bình Dương đã đề nghị Thanh tra Nhà nước tỉnh vào cuộc kiểm tra để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, kể từ khi Thanh tra tỉnh vào cuộc (tháng 8/2019) tỉnh Bình Dương vẫn chưa công bố kết luận thanh tra?

Giải thích lý do chưa công bố kết luận thanh tra, đại diện Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương về những bất thường trong thương vụ chuyển nhượng đất công, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã vào cuộc thanh tra. Theo đó, thanh tra đã làm việc với TCT Bình Dương và Công ty Tân Phú về tính pháp lý trong hợp tác liên doanh, việc chuyển nhượng khu đất... Tuy nhiên, do có nhiều thủ tục pháp lý phức tạp nên chưa thể công bố thông tin.

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng đất công thì phải trả lại cho Nhà nước.

Việc doanh nghiệp tự ý mang tài sản nhà nước đi bán, chuyển nhượng là trái với quy định pháp luật. Trong trường hợp, doanh nghiệp sử dụng sai mục đích tài sản thì phải hủy giao dịch. Trên tinh thần đó, nếu đã hủy giao dịch thì cơ quan chức năng phải tiến hành xử lý quyết liệt, đồng thời truy cứu trách nhiệm của đơn vị, cá nhân vi phạm.

Kết thúc quý III/2019, TCT Bình Dương lỗ trước thuế 16,1 tỷ đồng. TCT Bình Dương đầu tư vào các công ty liên doanh - liên kết (trên 2.400 tỷ đồng), các công ty con (trên 1.500 tỷ đồng) và tiền gửi ngân hàng (940 tỷ đồng). Trong số các khoản đầu tư của TCT Bình Dương, khoản đầu tư lớn nhất là vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành (sở hữu sân golf Harmonie Golf Park) với giá gốc 1.121 tỷ đồng, tương đương 34% vốn điều lệ. Trị giá Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành từ khoảng 650 tỷ đồng tăng vọt lên đến hơn 5.744 tỷ sau phi vụ thâu tóm 145 ha “đất vàng”.

Theo TP

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN