Dự án nâng cấp đường ĐT.746 (Bình Dương): Mặt bằng cản bước nhà thầu

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Bình Dương (Chủ đầu tư) cho biết, dự án nêu trên có tổng mức đầu tư 2.931 tỷ đồng, dài 11,434 km. 
Được khởi công cuối năm 2022 và một số gói thầu đã đến thời hạn hoàn thành, nhưng Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa (tỉnh Bình Dương) vẫn ngổn ngang vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu. Do chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng nên khối lượng thi công 3 gói thầu xây lắp mới đạt trung bình 15,6% giá trị hợp đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Bình Dương (Chủ đầu tư) cho biết, dự án nêu trên có tổng mức đầu tư 2.931 tỷ đồng, dài 11,434 km. Tính riêng năm 2024, Dự án được UBND tỉnh Bình Dương bố trí kế hoạch vốn 360 tỷ đồng. Đến giữa tháng 5/2024, Dự án giải ngân được 131,3 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch.
Dự án có 3 gói thầu xây lắp. Trong đó, Gói thầu Thi công xây dựng đoạn 2 lý trình Km65+720 đến Km69+920 có giá trị 162,483 tỷ đồng, do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Ngọc Bảo - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Nguyên Cát đảm nhiệm thi công trong 450 ngày kể từ cuối tháng 12/2022. Tới giữa tháng 5/2024, khối lượng thi công mới đạt 40 tỷ đồng, tương ứng 24,7% giá trị hợp đồng.
Khởi công cùng thời điểm, Gói thầu Thi công xây dựng đoạn 3, lý trình Km69+920 đến Km73+369 cũng chật vật khi khối lượng thi công chỉ đạt 21,5 tỷ đồng (13,2% so với hợp đồng). Gói thầu do Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong thi công (giá trúng thầu 169,423 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 435 ngày).
Gói thầu Thi công xây dựng đoạn 1, lý trình Km61+935,72 đến Km65+720 lựa chọn xong nhà thầu vào tháng 3/2024. Liên danh Tân Thành Hội Nghĩa do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Viễn Đông đứng đầu trúng thầu với giá 166,332 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 450 ngày. Khối lượng thi công hiện đạt 1,2 tỷ đồng (0,7% giá trị hợp đồng).
Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng tới tiến độ Dự án là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện nay, TP. Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên (2 địa phương được giao nhiệm vụ GPMB) đã bàn giao 162.568 m2, tương ứng 65,3% diện tích mặt bằng cần giải tỏa.
Đối với đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên đã bàn giao được khoảng 105.490 m2, đạt 73%. Trong đó, đoạn 1 đã bàn giao 35.314 m2, đạt 51,8%; còn 32,793 m2 chưa thể bàn giao do chưa phê duyệt phương án bồi thường tài sản trong hành lang an toàn đường bộ. Khâu GPMB ở đoạn 2 có tiến độ nhanh hơn, huyện Bắc Tân Uyên đã bàn giao được 70.175 m2, đạt 92% diện tích cần giải tỏa; 6.000 m2 còn vướng do 1 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, 1 hộ dân đã nhận tiền bồi thường đất nhưng chưa nhận tiền bồi thường tài sản trong hành lang an toàn đường bộ và 1 tổ chức chưa được phê duyệt phương án bồi thường.
Mặt bằng đoạn qua TP. Tân Uyên (đoạn 3) đã bàn giao được 57.078 m2, tương ứng 54,47%. Diện tích chưa bàn giao đoạn này khoảng 47.696 m2, trong đó riêng diện tích do Công ty CP Cao su Phước Hòa đang sử dụng là 31.235 m2. Ngoài ra, còn 20 trường hợp chưa giải tỏa.
Ngoài chậm bồi thường GPMB, theo đánh giá của Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Bình Dương, việc thi công xây dựng còn vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Về di dời hệ thống lưới điện, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh. Trong tháng 5/2024, Ban sẽ trình Sở Công Thương thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và dự kiến trong quý III/2024 thực hiện di dời lưới điện trung hạ thế và trạm biến áp. Với hệ thống cấp nước, Ban và nhà thầu thi công đang phối hợp, hỗ trợ đơn vị cấp nước di dời đường ống nước nằm trong phạm vi Dự án. Với hệ thống cáp quang viễn thông, Tổng công ty Viễn thông Viettel đã trình Sở Giao thông vận tải Bình Dương xem xét chấp thuận xây dựng hệ thống tuyến cống, bể ngầm hóa cát viễn thông nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng của Dự án. Sau khi được cấp phép thi công, Tổng công ty sẽ triển khai di dời.
Một nhà thầu thi công đoạn 2, từ cổng Khu công nghiệp VSIP III đến ngã ba Tân Thành cho biết, tranh thủ có mặt bằng đến đâu, nhà thầu tăng cường ca, kíp thi công ngay đến đó. Biểu đồ thi công được linh động thay đổi khoa học, phù hợp với tiến độ bàn giao mặt bằng. Nếu công tác bàn giao mặt bằng sớm hoàn tất, cuối năm 2024, nhà thầu sẽ hoàn thành khối lượng công việc của Gói thầu.
Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB Dự án. Cơ quan hữu trách sẽ sớm phê duyệt phương án bồi thường nhà ở, công trình kiến trúc xây dựng trên đất hành lang an toàn giao thông đường bộ thuộc địa bàn huyện Bắc Tân Uyên để giải quyết dứt điểm phần diện tích cần giải tỏa còn lại. Hiện nay, TP. Tân Uyên đang vận động các hộ dân, Công ty CP Cao su Phước Hòa tạo điều kiện, bàn giao trước mặt bằng để các nhà thầu có mặt bằng liền lạc. Ban cũng đốc thúc các nhà thầu xây lắp tập trung máy móc, nhân lực, vật tư đẩy mạnh thi công trước mùa mưa, nhất là các hạng mục hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo tiến độ chung của Dự án.
Theo Báo Đấu thầu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN