Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao của Hoa Lâm-Shangri-La: Có làm trái chỉ đạo của Thủ tướng?

Mặc dù, nhiều bệnh viện không có đất xây dựng, đang quá tải… Thế nhưng, dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao do Thủ tướng phê duyệt với mục đích chăm sóc y tế xuất hiện dấu hiệu biến tướng, sai mục đích gây bức xúc dư luận.
 
 
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng như các khu vực lân cận thường xuyên quá tải; cung không đủ cầu. Việc Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân luôn giành được sự hưởng ứng, tán thành trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Vì mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân
Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng không có đất xây dựng, quá tải như bệnh viện Đại học Y Dược, Ung bướu, Chợ Rẫy… đang trở thành vấn đề nhức nhối, cần được giải quyết hàng đầu.
Thế nhưng, mới đây, nhiều thông tin do báo đài đăng tải (cụ thể TTXVN/Vietnam+) về sự biến tướng, làm sai lệch mục đích ban đầu trong việc triển khai dự án Khu y tế kỹ thuật cao (532A Kinh Dương Vương, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân) của Thủ tướng Chính phủ để xây nhà ở Kinh doanh thương mại để doanh nghiệp hưởng lợi, đã gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong dư luận.
Theo đó, năm 2008, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án Khu Y tế kỹ thuật cao với thời gian hoạt động là 69 năm. Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động của dự án.
Dự án với các hạng mục bệnh viện, các công trình khác có trong dự án để phục vụ nhu cầu y tế bao gồm nhà ở, trung tâm bồi dưỡng y khoa, trường học, khu thể thao, Giải trí, mua sắm… Chiều cao công trình tại Khu Y tế kỹ thuật cao tối đa là 36 tầng.
Kiến nghị này không hề nhắc đến yếu tố kinh doanh thương mại nhà ở tại Khu Y tế kỹ thuật cao.
Để Xã Hội hoá nguồn vốn đầu tư dự án y tế trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, đồng thời nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của UBND TP.HCM.
Dấu hiệu biến tướng, sai mục đích ban đầu
Tháng 11/2008, UBND TP.HCM cho Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm-Shangri-La thuê khu đất 532A đường Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân làm dự án Khu Y tế kỹ thuật cao.
Sau đó, UBND TP.HCM phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích khu đất là 42,29 ha. Dân số toàn bộ dự án dự kiến là 8.000 người, mật độ xây dựng là 30,58%, hệ số sử dụng đất tối đa là 3,3, tầng cao xây dựng tối đa là 36 tầng.
Du an Khu Y te ky thuat cao cua Hoa Lam-Shangri-La: Co lam trai chi dao cua Thu tuong?
Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm-Shangri-La tại khu Y tế Kỹ thuật cao. 
Đáng lẽ, UBND TP.HCM phải thực hiện có hiệu quả và duy trì mục tiêu tốt đẹp của dự án này như chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhưng quá trình triển khai dự án lại thể hiện nhiều điều khó hiểu.
Cụ thể, tháng 1/2017, UBND TP.HCM bất ngờ duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Y tế kỹ thuật cao; trong đó, tăng chỉ tiêu dân số từ 4.000 người lên 5.300 người đối với khu D2, D3.
Việc thay đổi chỉ tiêu dân số lên tới 1.300 người sẽ kéo theo sự thay đổi về mật độ xây dựng, quy mô và cơ cấu căn hộ, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Tiếp theo, tháng 4/2017, UBND TP.HCM tiếp tục chấp thuận cho công ty con của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm-Shangri-La được xây dựng khu nhà ở phục vụ dự án gồm khu nhà ở D2 (quy mô 1.069 căn hộ), khu nhà ở D3 (1.038 căn hộ) với mục tiêu hoạt động là “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất.”
Điều này trái với các văn bản pháp lý trước đó cũng do UBND TP.HCM ban hành khi xác định khu nhà ở D2, D3 xây dựng phục vụ cán bộ, nhân viên, chuyên gia của Khu Y tế kỹ thuật cao (không bán ra ngoài, không kinh doanh thương mại). Theo Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phải trích 20% diện tích dự án để điều tiết xây dựng nhà ở xã hội nhưng UBND TP không hề nhắc đến.
Điều này cho thấy, không những có sự mâu thuẫn chính trong các quyết định hành chính của UBND TP mà còn thể hiện sự “ưu ái” khó hiểu đối với chủ đầu tư?
Cuối năm 2017, chủ đầu tư này tiếp tục được chuyển đổi khu nhà ở D2, D3 từ mục tiêu “phục vụ dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” sang “bán ưu tiên” kinh doanh nhà ở.
Một điều chỉnh khó hiểu nữa cũng tại dự án Khu Y tế kỹ thuật cao là Trung tâm thương mại Aeon vốn dĩ được quy hoạch làm “Trung tâm hội nghị, triển lãm về y tế, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khỏe, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân” (ký hiệu lô PT1) với diện tích khuôn viên 2,43ha.”
Tuy nhiên trước đó, Công ty TNHH Y Tế Hoa Lâm-Shangri-La đã ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) để hợp tác kinh doanh đầu tư phát triển trung tâm mua sắm Aeon-Bình Tân với tổng vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD, xây dựng trong khuôn viên Khu Y tế kỹ thuật cao với diện tích khoảng 4,7ha (khởi công từ tháng 1/2015 và hoàn thành trong tháng 6/2016).
Đến đây, đất của Khu Y tế kỹ thuật cao đã bị cắt giảm để “đắp” cho trung tâm thương mại, từ 2,43ha lên 4,7ha.
Rõ ràng dư luận hoài nghi về việc khi triển khai dự án Khu Y tế kỹ thuật cao, UBND TP.HCM đã bỏ chi phí đầu tư hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp được ưu đãi nhiều chính sách nhưng trong quá trình triển khai lại có những điều chỉnh về quy hoạch, tạo nhiều ưu ái theo hướng kinh doanh thương mại cho chủ đầu tư tại dự án y tế này?
Trước diễn biến khó hiểu trên, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Có hay không việc tự ý làm sai quy trình, sai mục đích ban đầu mà Thủ tướng đã phê duyệt?
Để làm rõ vấn đề, PV đã liên hệ với công ty TNHH Y tế Hoa Lâm-Shangri-La để có thông tin hai chiều thế nhưng với lý do chuyển trụ sở công ty nên đơn vị này từ chối làm việc.
Theo Yến Nhi/SKCĐ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN