Doanh nghiệp đứng sau khu du lịch quy mô 10ha ở Đà Lạt vướng loạt sai phạm

Chủ khu du lịch Nam Hồ ở Đà Lạt là doanh nghiệp có trụ sở tại quận 10, TP HCM, vốn điều lệ 20 tỷ đồng nhưng với số lao động chỉ 4 người.
Doanh nghiep dung sau khu du lich quy mo 10ha o Da Lat vuong loat sai pham
Dự án khu du lịch Nam Hồ ở TP Đà Lạt có hàng chục công trình vi phạm.

Vướng hàng loạt sai phạm

Ngày 4/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP Đà Lạt nghiên cứu kiến nghị của CTCP Xây dựng - Du lịch Nam Hồ về các vấn đề xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Khu du lịch Nam Hồ tại địa chỉ 91 Hùng Vương, phường 11, Đà Lạt.

Động thái này được đưa ra sau khi doanh nghiệp này có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đưa các hướng giải quyết về vi phạm tại dự án Khu du lịch Nam Hồ.

Trong đó, đơn vị này đã gửi văn bản lên quan chức năng xin nhận khuyết điểm trong quá trình thực hiện dự án. Đại diện doanh nghiệp này nêu, những vi phạm, thiếu sót xảy ra tại dự án là do năng lực còn hạn chế, hiểu biết về quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng không đầy đủ.

Vấn đề sai phạm này của Nam Hồ đã được cơ quan chức năng và báo chí liên tục đưa tin trong nhiều năm qua.

Ngày 18/11/2022, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kết luận việc thanh tra toàn diện việc lập dự án, quá trình đầu tư và khai thác sử dụng tại Dự án Khu du lịch Nam Hồ.

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc thực hiện dự án của Công ty Nam Hồ có 3 sai phạm chủ yếu gồm: Sử dụng không đúng công năng tại khu thương mại dịch vụ; xây dựng không phép, sai phép so với giấy phép xây dựng được cấp. 

Đối với quá trình thực hiện dự án, Công ty Nam Hồ đã 2 lần được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, 2 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng, dự án kéo dài qua nhiều năm (gia hạn 5 lần) thể hiện sự yếu kém trong công tác đầu tư cũng như năng lực tài chính của công ty.

Theo Thanh tra, dự án có dấu hiệu hoạt động không đúng theo mục tiêu đầu tư là khu nghỉ dưỡng hiện đại, có quy mô phục vụ từ 200 - 300 khách lưu trú và 500 - 1.000 khách vãng lai/ngày, đêm nhằm thu hút khách du lịch vào Lâm Đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Thanh tra chỉ ra, việc tiến độ thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, đến tháng 6/2010 hoàn thành đưa các công trình vào hoạt động. Tại thời điểm tháng 6/2022, dự án này vẫn chưa hoàn thành tiến độ.

Đối với khu trung tâm thương mại dịch vụ hiện nay được xây dựng chia thành 15 căn hộ, khu trà hoa viên là 12 biệt thự, khu ẩm thực là 3 biệt thự không có dấu hiệu hoạt động theo đúng công năng và mục tiêu của dự án. Một số công trình có dấu hiệu người ở cư trú lâu dài, không hoạt động kinh doanh du lịch và có 2 công trình rao bán trên mạng Internet.

Theo thanh tra, công ty đã xây dựng 93 công trình có mái che lệch và nằm ngoài so với vị trí đã được chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, có 38 công trình ngoài, 55 công trình lệch một phần so với vị trí chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra tại dự án này, xây dựng 4 căn nhà tạm trên đất lâm nghiệp, xây dựng công trình không có mái che tăng 3.827 m2 so với diện tích đã chuyển mục đích sử dụng đất.

Thanh tra chỉ rõ Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho công ty, nhưng các giấy chứng nhận này không thể hiện thời hạn sở hữu công trình. Điều này cho thấy, việc này chưa đúng với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường,…

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, dự án này có 58 công trình sai diện tích so với giấy phép được cấp là 1.148,92 m2 (đối với diện tích tầng hầm, hình thể kiến trúc, chiều cao…).

Doanh nghiep dung sau khu du lich quy mo 10ha o Da Lat vuong loat sai pham-Hinh-2
Cơ quan chức năng đề nghị chủ đầu tư tự giác tháo dỡ triệt để 48 công trình phụ tại dự án Khu du lịch Nam Hồ. 

Công ty Nam Hồ: Vốn 20 tỷ đồng, chỉ 4 lao động làm việc

Theo tìm hiểu, Công ty Nam Hồ bắt đầu thành lập vào năm 2005, có trụ sở tại Cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP HCM với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại.

Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Thành Thạnh (sinh năm 1957). Nhân vật này có địa chỉ thường trú trùng với địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Nam Hồ.

Theo cập nhật mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tháng 11/2017, Nam Hồ đã thay đổi vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Công ty này chỉ có 4 lao động tại thời điểm tháng 11/2017.

Về Khu du lịch Nam Hồ, dự án được thiết kế với quy mô hơn 10 ha, tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, trong đó vốn của Công ty Nam Hồ là 40 tỷ đồng, còn lại 70 tỷ đồng là vay dài hạn từ các tổ chức tín dụng. Đây là dự án có quy mô sử dụng đất lớn hàng đầu ở nội ô Đà Lạt.

Mục tiêu của dự án sẽ hình thành một khu giới thiệu đặc sản trà Lâm Đồng và quán trà phổ thông 50 khách, nhưng thực tế tại vị trí nói trên đã thành 12 căn biệt thự. 

Trong các tài liệu Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ghi nhận, dự án có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án từ năm 2006 đến năm 2022, công ty có nhận tiền vốn góp của 92 cá nhân, với tổng giá trị góp vốn gần 200 tỷ đồng (gấp gần 2 lần tổng mức đầu tư công bố).

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ghi nhận trên Internet xuất hiện các thông tin rao bán công trình bên trong dự án, với giá từ 17 tỷ đến 39 tỷ. So với thời điểm nhận bàn giao đất (2006), Công ty Nam Hồ đã để mất 804 cây thông. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Minh Hằng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN