Diễn biến mới vụ truy thu 12.000 tỷ đồng dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn

Thanh tra Khánh Hòa và Cục Thuế tỉnh này là những đơn vị theo dõi, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý kiến nghị của Tập đoàn Phúc Sơn.

Theo thông tin trên VietnamFinance, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh về việc xử lý kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) liên quan đến chủ trương truy thu 12.000 tỷ đồng dự án BT của tập đoàn này ở TP Nha Trang.

Sở nhận thấy kiến nghị của Tập đoàn Phúc Sơn là nội dung đang xử lý, khắc phục liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (tại khu sân bay Nha Trang cũ) theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sở này đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển nội dung này đến Tổ công tác số 52 (trong đó có Thanh tra tỉnh và Cục Thuế tỉnh) để tiếp tục theo dõi, tham mưu xử lý để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến việc khắc phục, xử lý, tháo gỡ vướng mắc sau kết luận của các cơ quan trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 2 tổ công tác.

Tổ công tác số 52 nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tổ công tác số 2011 được lập ra xử lý, tháo gỡ vướng mắc sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Việc nộp bổ sung ngân sách nhà nước số tiền gần 12.000 tỷ đồng dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nên trách nhiệm xử lý, tham mưu các vấn đề liên quan thuộc về Tổ công tác số 52 trong đó có cơ quan thuế tỉnh.

Như đã đưa tin, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị Tập đoàn Phúc Sơn (có trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc) khẩn trương nộp gần 12.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu Trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang.

Động thái trên được thực hiện sau khi Cục thuế tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị gửi UBND tỉnh về việc truy thu số tiền mà Tập đoàn Phúc Sơn chưa hoàn thành.

Tỉnh đề nghị nếu Tập đoàn Phúc Sơn có vướng mắc hoặc kiến nghị, đề xuất thì có báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định công bố Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang. Theo đó, tại khu vực sân bay Nha Trang cũ có diện tích 186 ha được xây dựng thành một khu phức hợp với đầy đủ loại hình thương mại, dịch vụ, công viên…

Tháng 10/2016, UBND tỉnh này đã thu hồi hơn 62 ha đất để giao cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án (gồm phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3).

Tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Phúc Sơn thực hiện ba dự án BT (xây dựng – chuyển giao) gồm: Dự án nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; nút giao thông Ngọc Hội và đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội. Tổng mức đầu tư của ba dự án này là 3.562 tỷ đồng; nhà đầu tư được hoàn vốn hơn 20 ha đất tại sân bay Nha Trang.

Dien bien moi vu truy thu 12.000 ty dong du an BT cua Tap doan Phuc Son
 Khu vực sân bay Nha Trang cũ được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án. Ảnh: Zing.

Nhiều sai phạm

Hồi cuối tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ đã ký thông báo kết luận về việc việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó có ba dự án trên do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ nhà đầu tư.

Ba dự án này được xác định tổng mức đầu tư - giá trị đất tạm tính để thanh toán cho nhà đầu tư thời điểm 2017.

Cụ thể, dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang với tổng mức đầu tư hơn 1.025 tỷ đồng. Khoảng 6 ha đất trong dự án sân bay Nha Trang, giá trị tạm tính gần 950 tỷ đồng sẽ được dùng thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án Nút giao thông Ngọc Hội có tổng mức đầu tư hơn 1.351 tỷ đồng. Phần đất khoảng 5,49 ha trong sân bay Nha Trang với giá trị tạm tính gần 1.216 tỷ đồng sẽ được dùng thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án Đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội vốn đầu tư hơn 1.196 tỷ đồng. Khoảng 9,15 ha đất trong sân bay Nha Trang có giá tạm tính hơn 1.099 tỷ đồng được dùng thanh toán cho nhà đầu tư.

Thời gian thực hiện hợp đồng 3 dự án BT  đều có thời hạn 2 năm, từ 2017 - 2019 nhưng sau đó được gia hạn đến tháng 6/2021.

Theo Thanh tra Chính phủ, tiến độ dự án rất chậm, không hoàn thành theo đúng thời hạn để đưa vào sử dụng, dù được gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng đến thời điểm thanh tra chỉ mới hoàn thành 27% tổng khối lượng thi công 3 dự án.

Việc chậm tiến độ này chưa được phân tích đánh giá nguyên nhân, quy trách nhiệm và đề ra các biện pháp tháo gỡ để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ, việc phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với Tờ trình báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng chấp thuận làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện thêm 30 tháng, tách 1 dự án nhóm A thành 2 dự án nhóm B.

Đặc biệt, việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết hợp đồng BT có nhiều sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạnh mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định khiến tổng mức đầu tư 3 dự án BT tăng lên gần 500 tỷ đồng...

Phương Uyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN