Đằng sau sự xuất hiện của Novaland tại Tân Thành Long An

Không chỉ tại Tân Thành Long An, mối quan hệ khăng khít giữa hai group Novaland và Vạn Thịnh Phát đã được thể hiện qua nhiều thương vụ lớn, đình đám tại thị trường TP.HCM.

Dang sau su xuat hien cua Novaland tai Tan Thanh Long An

Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát đã đổi tên là Khu công nghiệp Suntec có logo của Novaland. Ảnh: Internet.

Trong phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bất ngờ đòi 2.500 tỷ đồng từ Novaland để khắc phục hậu quả. Số tiền này đến từ dự án Việt Phát của công ty Tân Thành Long An.

Bà Lan cho biết, dự án Việt Phát được định giá 30.000 tỷ đồng, và đã được bán cho Novaland bằng cách chuyển nhượng cổ phần Tân Thành Long An với giá 2.000 tỷ đồng. Đổi lại, Novaland sẽ trả gốc và lãi hai năm đối với hai lô trái phiếu do Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An phát hành, với tiền gốc là 15.000 tỷ và lãi 3.000 tỷ đồng. Như vậy, Novaland còn nợ bà Lan 10.000 tỷ đồng. Khi bà Lan bị bắt, Novaland đã thương lượng giảm dư nợ về 3.500 tỷ đồng và trong phiên tòa này, bà Lan đồng ý chỉ nhận về 2.500 tỷ đồng tiền mặt để khắc phục vụ án.

Tuy vậy, trong thông báo sau đó đăng tải trên website, phía Novaland khẳng định “việc bà Trương Mỹ Lan đề xuất được đàm phán với Tập đoàn Novaland về số tiền 2.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án do liên quan đến Tân Thành Long An và dự án Việt Phát là hoàn toàn không có căn cứ”.

Bên cạnh đó, Novaland cho biết không nhận được bất kỳ ủy quyền nào từ Tân Thành Long An để tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh khác, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu.

Về phía Tân Thành Long An, doanh nghiệp này thành lập từ năm 2005, Tổng Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật của Tân Thành Long An hiện là bà Võ Thị Kim Khoa (SN 1982) – “mắt xích” có nhiều liên hệ đến Novaland.

Như Nhadautu.vn từng đề cập, vị doanh nhân sinh năm 1982 là Giám đốc/Đại diện theo pháp luật hoặc từng là cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp mà sau đó được bán vốn cho Novaland.

Chẳng hạn, bà Khoa từng là Người đại diện theo pháp luật HĐQT CTCP Địa ốc Ngân Hiệp (giai đoạn tháng 8/2019 – tháng 11/2020) - chủ đầu tư dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1 – Hồ Tràm và Khu du lịch Ngân Hiệp 2 – Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Trong năm 2020, Novaland đã M&A và sở hữu 99,98% vốn Ngân Hiệp.

Bà hiện cũng là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản BNP Global – pháp nhân vào giữa năm 2021 huy động 500 tỷ đồng trái phiếu mã BNPCH2123001, kỳ hạn 2 năm để hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Thành phố Aqua (công ty con Novaland) nhằm phát triển dự án Aqua City quy mô 600ha tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu BNPCH2123001 là 58,7 triệu cổ phiếu SGB, tương đương 19% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và số cổ phần này được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Tuy nhiên đến cuối năm 2022, khi SCB rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, tập thể trái chủ đã họp và thông qua nghị quyết của người sở hữu trái phiếu, yêu cầu BNP Global và SCB chấm dứt hiệu lực của hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo giữa hai bên để BNP Global rút 58,7 triệu cổ phiếu SGB về để thanh toán trái phiếu.

Những thương vụ kín tiếng

Sự liên hệ giữa Novaland và Vạn Thịnh Phát Group không chỉ ở Tân Thành Long An. Như Nhadautu.vn từng đề cập trong nhiều bài viết, các doanh nghiệp liên hệ đến Vạn Thịnh Phát đã thông qua nhóm Novaland và loạt pháp nhân liên hệ thu mua hàng loạt bất động sản đắc địa ở TP.HCM.

Cái tên đầu tiên là dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1), chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Sabeco Pearl (thành lập năm 2015), với các cổ đông sáng lập là CTCP Attland (23%), CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Hà An (25,5%), CTCP Đầu tư Mê Linh (25,5%) và Sabeco (26%). Trong đó, cả Attland, Hà An và Mê Linh tính đến cuối năm 2015 đã trở thành công ty con của Novaland. Tỷ lệ này sau đó được nâng lên 100% sau khi Attland mua nốt sổ cổ phần Sabeco Pearl của Sabeco.

Dù vậy, Novaland sau đó đã nhanh chóng giảm tỷ lệ sở hữu tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng xuống 42,09% ngay trước thềm niêm yết lên sàn chứng khoán (năm 2016), và sau đó thoái hết dự án vào cuối năm này. Bên mua, như Nhadautu.vn từng đề cập, có nhiều mối liên hệ tới Vạn Thịnh Phát Group.

Khu đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư, được TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Bản án tuyên giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP.HCM xem xét xử lý.

Thi hành bản án trên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cùng Viện KSND TP.HCM bàn giao khu đất 6.080m2 này cho UBND TP. Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện UBND TP, tiếp nhận và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.

Bên cạnh đó, còn là dự án số 78 Tôn Thất Thuyết (quận 4) từng xuất hiện trên BCTC Tập đoàn Novaland. Theo đó, vào ngày 6/2/2018, Tập đoàn đã hoàn tất việc mua 99,71% lợi ích vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án với tổng giá phí là gần 774 tỷ đồng.

Dù vậy, chỉ sau hai tháng ghi nhận trong báo cáo tài chính, Novaland ngày 16/4/2018 đã bán toàn bộ 99,71% vốn góp tại doanh nghiệp dự án này với tổng giá chuyển nhượng gần 834 tỷ đồng, qua đó thu về khoản lãi 61,6 tỷ đồng.

Bên nhận chuyển nhượng không được công bố. Tuy nhiên, như Nhadautu.vn từng đề cập, đối tác đã mua lại dự án 78 Tôn Thất Thuyết từ Novaland có nhiều liên hệ đến nhóm Vạn Thịnh Phát Group.

Liên quan đến dự án này, cập nhật tại tháng 7/2022, Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc công ty là bà Ngô Thị Oanh (SN 1987) - cá nhân có liên hệ đến Sunshine Group - cũng là một đối tác từng mua bán một số dự án lớn tại TP.HCM với Vạn Thịnh Phát Group.

Một cái tên khác là dự án số 152 Trần Phú (quận 5, TP HCM) - một trong những lô đất đẹp cuối cùng còn sót lại trong nội thành TP.HCM. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Vina Alliance. Như Nhadautu.vn từng đưa tin, tại thời điểm tháng 9/2017, dự án 152 Trần Phú chỉ còn lại hai nhà đầu tư là Bất động sản Trí Đức (62%) và Công ty TNHH Sơn Đông (38%).

Cụ thể, Bất động sản Trí Đức được thành lập tháng 10/2015 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Trí Đức sau đó tăng vốn lên 600 tỷ đồng. Tới cuối tháng 8/2017, cổ đông lớn nhất của Trí Đức là ông Lê Thanh Liêm (66,67% cổ phần), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trung Sơn A (30%), hai cá nhân Nguyễn Thị Thu Hương và Nguyễn Thị Cẩm Nhung lần lượt có 1,3% và 2% còn lại. Đây đều là những cá nhân pháp nhân có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến Novaland.

Cuối tháng 11/2017, cơ cấu cổ đông của Bất động sản Trí Đức có sự biến động lớn, khi ba cá nhân đồng loạt chuyển nhượng 70% vốn cho CTCP Đầu tư Phát triển 56. Đến tháng 3/2018, Bất động sản Sơn Trung A cũng thoái nốt 30% vốn cho một nhà đầu tư là bà Trần Thị Phơ. Trong đó, Phát triển 56 là đơn vị có nhiều liên hệ tới Vạn Thịnh Phát Group.

Không những thế, còn có dự án số 1 Công trường Quốc tế (quận 1, Tp HCM) với chủ đầu tư là CTCP Thương mại Dịch vụ Quảng trường Quốc tế (Sawaco). Tính đến giữa năm 2023, cổ đông lớn nhất nắm gần 70% vốn Sawaco là Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh.

Theo tìm hiểu, BĐS Thiên Thanh được thành lập tháng 9/2015 với hai cổ đông có liên hệ tới Novaland là các ông Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Quốc Hiển. Từ vốn điều lệ 20 tỷ đồng, Thiên Thanh tới đầu tháng 7/2017 tăng vốn lên 527,3 tỷ đồng với cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Thắng Lợi (96,2%). Cuối tháng 8/2017, hai cá nhân có liên hệ tới nhóm Vạn Thịnh Phát là các ông Đặng Thanh Hải và Dương Bá Nam đã mua lại toàn bộ phần vốn trong BĐS Thắng Lợi cùng số cổ phần nhỏ lẻ còn lại để sở hữu 100% Thiên Thanh.

Ngoài các dự án kể trên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng từng xuất tin đồn về việc Novaland mua lại chuỗi khách sạn Quê Hương Liberty từ Vạn Thịnh Phát Group trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào cuối năm 2022.

Theo Hữu Bật/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN