Doanh nhân Lã Quang Bình bị Cơ quan An ninh yêu cầu rà soát tài sản là ai?

Sinh năm 1979, doanh nhân Lã Quang Bình hiện đang nắm một hệ sinh thái lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và thanh toán điện tử.

Doanh nhan La Quang Binh bi Co quan An ninh yeu cau ra soat tai san la ai?

Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia. Ảnh: Báo Dân việt.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp rà soát tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" xảy ra tại 2 chi nhánh ngân hàng ở TP. Hà Nội.

Trong danh sách những cá nhân bị cơ quan chức năng điểm tên, đáng chú ý khi có sự xuất hiện của ông Lã Quang Bình (SN 1979) - Chủ tịch HĐQT của 4 công ty (4 pháp nhân), gồm CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay), CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (ECInvest), CTCP Tập đoàn LALUNA và CTCP khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp rà soát, cung cấp thông tin về tài sản của doanh nhân, gồm: bất động sản, cổ phần, cổ phiếu… bao gồm cả tài sản thuộc sở hữu, hoặc tài sản của bên thứ ba được thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ và quyền tài sản khác phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Dấu ấn ông Lã Quang Bình

Trong số 4 doanh nghiệp đang được ông Lã Quang Bình đứng tên hiện nay, CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay) là đơn vị vốn được biết đến là có mối liên hệ mật thiết với ngành điện.

ECPay được thành lập theo Nghị quyết 292/NQ-HĐQT của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ngày 07/05/2010 với nhiệm vụ ban đầu là xây dựng và quản lý cổng thanh toán tiền điện tập trung của EVN. Sau đó, đơn vị này phát triển Ví điện tử eDong, mở rộng không chỉ thanh toán tiền cước tiền điện của EVN, mà còn là thanh toán cước viễn thông của các nhà khai thác mạng di động tại Việt Nam như Viettel, MobiFone, VinaPhone...

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Đến tháng 2/2017 tăng vốn lên 300 tỷ đồng rồi lên 500 tỷ đồng vào tháng 8/2017. Tại ngày 31/10/2017 số vốn điều lệ của ECPay là 1.000 tỷ đồng.

Dữ liệu cho thấy, vào khoảng tháng 5/2022, ECPay đã trúng gói thầu "GTDVPTV02-2022 Thuê cộng tác viên gửi thông báo, nhắc nợ, cắt điện khi ngưng giao thu năm 2022" do Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM TNHH-Công ty Điện lực Tân Phú làm chủ đầu tư.

Trước đó, khoảng tháng 9/2021, ECPay cũng trúng gói thầu Cung cấp dịch vụ gửi thông báo thời điểm ngừng cung cấp điện trước 24h trên địa bàn Quận Tân Bình năm 2021, do Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM TNHH - Công ty Điện lực Tân Bình mời thầu.

Ngoài ra, trong giai đoạn năm 2021 trở về trước, ECPay còn là đối tác cung cấp dịch vụ thu hộ qua kênh thanh toán tại nhiều công ty điện lực khác như Tổng Công Ty Điện Lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI), Tổng Công Ty Điện Lực Miền Nam TNHH (EVNSPC).

Không chỉ ECPay, ông Bình còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel). Pháp nhân này thành lập vào tháng 11/2011 với vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng và nâng lên mức 1.250 tỷ đồng vào tháng 6/2021. Hiện tại, Tổng giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Trần Ngọc Thắng (SN 1983) – người có địa chỉ thường trú với ông Bình.

Như đã thông tin, Marina Hotel là chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A, sau đổi tên thành Swisstouches Laluna Resort, được xây dựng trên diện tích 1,1 ha tại số 72 đường Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng, trong đó, VietinBank tham gia tài trợ 750 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào ngày 4/8/2022 VietinBank chi nhánh Thành An thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Marina Hotel để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng số dư tín dụng của doanh nghiệp này đến hết ngày 26/7/2022 là 540,18 tỷ đồng. Khoản nợ này được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại chính khu đất có diện tích 5.965,5 m2 hình thành nên dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia - Khu A.

Còn với CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (ECInvest, mã EIN), ông Bình từng là Chủ tịch HĐQT công ty này từ tháng 6/2017, song đã xin từ nhiệm chức vụ này vào tháng 3 năm nay, nhưng vẫn hoạt động trong HĐQT của ECInvest. Đến ngày 26/6/2023, ông cũng đã xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT công ty này. Hiện Chủ tịch HĐQT EIN là ông Phạm Minh Khánh (SN 1973).

Đến cuối tháng 6/2023, vốn điều lệ của ECInvest ở mức 454 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Công nghệ và Thiết bị điện Hà Nội đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 33% vốn. Còn CTCP Giải pháp Đầu tư Thái Sơn là cổ đông lớn thứ hai khi nắm giữ 20% vốn. Đây đều là các pháp nhân có nhiều liên hệ với nhóm ông Lã Quang Bình.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn LALUNA được thành lập vào tháng 8/2021, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với quy mô vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Thành phần góp vốn gồm bà Nguyễn Thị Phương (SN 1955) – thân mẫu của ông Lã Quang Bình – góp 1.485 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Lanula Group được chia đều cho các ông Trần Ngọc Thắng và Phùng Hoài Ngọc (Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc EIN).

Ngoài ra, ông Bình còn là Người đại diện theo pháp luật CTCP Đầu tư La Luna Nha Trang. Tuy vậy, La Luna Nha Trang đã tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn vào cuối năm 2022.

Theo Thu Hồng/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN