Đại gia bất động sản phía Nam Bắc tiến: Điều gì sẽ xảy ra?

Càng gần cuối năm, thị trường bất động sản (BĐS) các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội càng trở nên hấp dẫn hơn khi thu hút dòng vốn của các chủ đầu tư đến từ TPHCM. Theo các chuyên gia, đây là làn gió mới cho thị trường BĐS Hà Nội, song nó cũng cảnh báo về mặt bằng giá mới được thiết lập.

Ðua nhau tìm kiếm cơ hội

Nếu trước đây xu hướng các chủ đầu tư phía Bắc đầu tư BĐS ở các tỉnh phía Nam thì vài năm trở lại đây, xu hướng này đã đảo chiều. Những ông lớn trên thị trường BĐS TPHCM như Masterise Group, Phú Mỹ Hưng, Phú Long, Nam Long... đã có mặt tại thị trường BĐS phía Bắc, liên tiếp công bố những dự án lớn.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam cho hay: “Một số chủ đầu tư đã xây dựng tên tuổi của mình tại thị trường phía Nam nhưng chưa được biết đến nhiều tại khu vực phía Bắc. Do đó, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để quảng bá cũng như gây dựng niềm tin cho người mua nhà”.

Masterise Group vừa ra mắt 6 tòa căn hộ tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, đánh dấu sự trở lại sau 8 năm vắng bóng trên thị trường BĐS Hà Nội. Trước đó, Masterise Group lần đầu tiên có mặt ở Hà Nội với dự án tại Long Biên, song công trình chỉ có một toà nhà cao 25 tầng. Thương hiệu đơn vị phát triển này cũng không được đẩy mạnh truyền thông nên vẫn được coi là tên tuổi khá mới ở thị trường phía Bắc.

Liên tiếp những ngày cuối năm, một loạt dự án ở Hà Nội của các doanh nghiệp tên tuổi mới ở thị trường phía Nam cũng lần lượt công bố và đang trong giai đoạn rục rịch triển khai. Tập đoàn Hưng Thịnh đang trong giai đoạn chuẩn bị cho dự án chung cư Lakeside Hưng Thịnh tại Linh Đàm, Hoàng Mai. Dự án có cùng 2.500 căn hộ được triển khai trên diện tích 6,4 ha.

Công ty Him Lam cũng chuẩn bị tung ra thị trường một loạt sản phẩm mới tại Long Biên, Hà Đông...

Không chỉ đầu tư, phát triển dự án tại Thủ đô, các doanh nghiệp địa ốc ở TPHCM cũng công bố dự án đô thị ở các tỉnh phía Bắc. Cty Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng dự kiến phát triển Khu đô thị Phú Hưng Khang thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình rộng khoảng 405 ha, dự kiến cung cấp hơn 1.000 đơn vị nhà ở cùng 2 trường học và một bệnh viện. Ngoài ra, dự án còn có một khách sạn 75 phòng. Doanh nghiệp đã có những đợt phát hành trái phiếu để chuẩn bị nguồn vốn cho dự án.

Đi xa hơn, Tập đoàn Nam Long đang sở hữu quỹ đất tại Hải Phòng và có kế hoạch triển khai dự án Khu đô thị Nam Long - Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên) với quy mô 21ha. Đồng hành với các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án, nhiều đơn vị phân phối tại TPHCM cũng đang đổ bộ ra Hà Nội khi liên tục mở chi nhánh. Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam... đã hoặc đang có kế hoạch mở sàn tại Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, có 3 yếu tố chính khiến thị trường BĐS Hà Nội trở thành một thị trường tiềm năng. Thứ nhất, pháp lý khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Thứ ba, các chủ đầu tư phía Nam đánh giá có đủ khả năng và năng lực tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường miền Bắc khiến cho khu vực này ghi nhận sự quan tâm cao. Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến. Sắp tới, dòng tiền vào BĐS vẫn sẽ tiếp tục hướng ra phía Bắc.

Từng mắc kẹt và đẩy giá cao

Mặc dù đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư bất động sản rất lớn, nhưng những thành công của các chủ đầu tư từ TPHCM tại thị trường Hà Nội vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trước đó, có dự án mắc kẹt khiến nhà đầu tư nghi ngại các chủ đầu tư phía Nam. Cụ thể, sau nhiều lùm xùm về tiến độ, dự án Manhattan Tower (21 Lê Văn Lương, Hà Nội) về tay chủ đầu tư TPHCM với cái tên quen thuộc Công ty Cổ phần Landmark Holding vào năm 2018. Được kỳ vọng nhiều, song dự án giậm chân tại chỗ khi xây xong phần thô vào năm 2019, sau đó Landmark Holding phải rút lui khỏi dự án. Đến thời điểm này, khách hàng mua nhà tại dự án mòn mỏi chờ đợi không biết bao giờ mới nhận được nhà.

Thêm nữa, thời kỳ khi Landmark Holding vào dự án này, giá căn hộ ở đây được đẩy lên cao trên mức 34 triệu đồng/m2 trong khi đó các dự án xung quanh chỉ ở mức 28-30 triệu đồng/m2.

Điều dễ thấy nhất ở các dự án do chủ đầu tư miền Nam đang bán ở Hà Nội là mặt bằng cao hơn hẳn so với dự án cùng khu vực mà dự án đó đứng chân. Tuy nhiên, chủ đầu tư ở TPHCM đều lý giải rằng, do tiện ích vượt trội và được quản lý đẳng cấp 5 sao. Dự án Masteri Waterfront Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) được bán với giá từ 39 triệu đồng/m2 (cao hơn so với dự án cao cấp cùng khu vực vài triệu đồng/m2). Himlam đang bán shophouse tại Vạn Phúc (Hà Đông) giá lên tới 300 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với các dự án khác nằm trên cùng trục đường…

Nhiều chuyên gia nghi ngờ các chủ đầu tư có sự làm giá bằng cách tự mua bán với nhóm khách hàng, rồi đẩy giá lên cao, nhằm tạo mặt bằng giá mới cho các dự án mà họ nhắm đến nhưng chưa muốn công bố.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, các chủ đầu tư từ TPHCM sẽ phải cân nhắc tâm lý khách hàng - một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường BĐS Hà Nội, đặc biệt là về giá.

“Tại TPHCM, những dự án ở trung tâm thành phố giá có thể lên đến và trên 10.000 USD/m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất là ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nhà ở, song thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, một khó khăn nữa của các nhà đầu tư từ TPHCM đầu tư ra Hà Nội là tìm kiếm các dự án tiềm năng và cơ hội hợp tác với chủ đất tại Hà Nội. Để khắc phục điều đó, các nhà đầu tư đang đưa ra cấu trúc giao dịch linh hoạt, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường miền Bắc khiến cho khu vực này ghi nhận sự quan tâm cao. Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến. Sắp tới, dòng tiền vào BĐS vẫn sẽ tiếp tục hướng ra phía Bắc.

Theo Ngọc Mai/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN