Quyền lợi của chủ đầu tư bị bỏ quên?
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2, vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Công ty CP Phát triển đô thị Vĩnh Thái (Công ty Vĩnh Thái) - Chủ đầu tư dự án KĐT Mỹ Gia được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKS), Ngân hàng Đông Á (DAB) nhận thế chấp 2 tài sản gồm gói 1 và 1,5ha gói 2 KĐT Mỹ Gia; 29% cổ phần của Công ty TNHH Xây dựng Bách Việt (Công ty Bách Việt) tại Công ty Vĩnh Thái.
|
Các bị cáo tại phiên xét xử trong "Đại án DongABank". |
Qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành kê biên 29% cổ phần của Công ty Bách Việt tại Công ty Vĩnh Thái và Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Khánh Hòa xác định giá trị số cổ phần này tương đương 178,492 tỷ đồng tại thời điểm tháng 12/2016 và tại thời điểm tháng 12/2017 là 133,396 tỷ đồng.
Theo đó, 100% vốn góp tại Công ty Thái An, gồm 79,67% vốn góp của Phạm Văn Tân và 20,33% vốn góp của Công ty CP Vốn An Bình. Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển đô thị Thái An (Công ty Thái An) được giao đầu tư, xây dựng, khai thác và kinh doanh gói 1 và 1,5ha gói 2 KĐT Mỹ Gia. Tháng 3/2018, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Khánh Hòa xác định giá trị 100% vốn góp tại thời điểm tháng 12/2017 là 505,942 tỷ đồng.
Tại phần tranh luận, luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sự IDVN - luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Công ty Vĩnh Thái đã trình bày quan điểm tại tòa về vấn đề liên quan đến phần 29% cổ phần của Công ty Bách Việt.
Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết, từ bộ hồ sơ trích lục của Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, Công ty CP Vốn Thái Thịnh (TTC) có cam kết gốp vốn bằng tiền, có giá trị 185 tỷ đồng. Tuy nhiên, TTC hoàn toàn không góp một đồng nào trong số tiền 185 tỷ này. Trong giá trị 29% cổ phần của Công ty Bách Việt thì chỉ có 10 tỷ đồng là đã góp, phần còn lại chưa được góp. Do đó, số cổ phần này không có thật và hồ sơ nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh là hồ sơ sai sự thật.
“Ở đây tôi cũng lưu ý, trong biên bản của Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông của Công ty Vĩnh Thái có lưu trữ trước đây đã nộp cho Tòa án thì có thể hiện nội dung các bên dự kiến là đưa khoản tiền thặng dư vốn do việc bán cổ phần hoặc là góp vốn của 2 công ty thuộc Tập đoàn Vinacapital vào Công ty Vĩnh Thái tại thời điểm đó là 186 tỷ. Tuy nhiên theo quy định của Luật doanh nghiệp thì việc góp vốn không thể được miễn bằng thỏa thuận của các cổ đông mà bắt buộc phải thực hiện bằng tiền hoặc tài sản hoặc các giá trị tương đương, bởi vì nếu việc góp vốn đơn thuần bằng thỏa thuận của cổ đông mà có thể được miễn tức là các công ty hoàn toàn có thể là khống vốn của mình lên bất cứ con số nào mà họ mong muốn thì điều đấy pháp luật không cho phép” - Luật sư Tuyết nêu quan điểm tại phiên tòa.
Hơn 400 tỷ đi đâu?
Trong vụ việc này, hồ sơ thể hiện rất rõ khoản tiền 400,9 tỷ mà Ngân hàng Đông Á đã ký cho Công ty Thái An vay nhưng lại giải ngân vào tài khoản của ông Phạm Văn Tân. Sau đó được dùng để đảo nợ cho những khoản vay đã đến hạn mà ông Nguyễn Huy Trường Hồng đã đứng ra vay thay cho ông Trần Phương Bình. Vậy, câu hỏi đặt ra 400,9 tỷ này đã đi đâu? Nó được coi là khoản đi vay hay khoản tiền bị chiếm đoạt? Vấn đề này đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) và các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ.
Và nếu như khoản vay mà chính ông Bình đã thừa nhận là lúc đó làm hợp đồng vay chỉ là để đảo nợ. Ngay từ ý đồ đã thể hiện rất rõ ràng thì khoản vay đó có phải là khoản vay giả tạo hay không và có bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự tại Điều 129 hay không?
Và hợp đồng vay đã là giả tạo thì hợp đồng thế chấp có phải là hợp đồng có hiệu lực hay không? Bên cạnh đó, việc thế chấp tài sản của bên thứ 3 như chính bản luận tội của VKS nêu, nếu như trong trường hợp thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 thì có một nguyên tắc xuyên suốt là bên thứ 3 phải đồng ý bằng văn bản, có xác nhận, thậm chí phải có cam kết.
Trong trường hợp này thì Công ty Vĩnh Thái là chủ đầu tư dự án có quyền sử dụng đất hợp pháp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND tỉnh Khánh Hòa cấp. Vậy thì khi DAB nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lại dựa trên nguồn gốc là quyền sử dụng đất đó và quyền chủ đầu tư dự án của Công ty Vĩnh Thái thì có sự xác nhận hay đồng ý của Công ty Vĩnh Thái hay không?” – Luật sư Tuyết trình bày.
Mặt khác, trong hồ sơ cũng thể hiện rõ ràng, tài sản thế chấp hoàn toàn không được đăng ký. Điều này thể hiện rõ ràng khi Văn phòng Đăng ký đất đai của tỉnh Khánh Hòa đã giải thích là tài sản này không được đăng ký với tư cách là tài sản thế chấp tại cơ quan đăng ký. Và chính DAB trong quá trình thẩm định khoản vay này thì trong Tờ trình cũng đã nêu rất rõ là việc Công ty Thái An được nhận chuyển nhượng gói 1 và trong hồ sơ vay thể hiện 1,5ha của gói 2 là không đủ cơ sở pháp lý. Đồng thời, việc thế chấp cũng không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Vĩnh Thái
Đối với cáo trạng của VKS có ghi tiếp tục kê biên phần vốn góp của Công ty Thái An là đơn vị được giao gói 1 và 1,5ha gói 2 của dự án KĐT Mỹ An, luật sư Đinh Ánh Tuyết đặt vấn đề, ai là người giao gói 1 và 1,5ha gói 2 cho Công ty Thái An? Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai, thì chỉ có UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền duy nhất trong việc giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án bất động sản có sử dụng đất từ nguồn gốc thuê đất, được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
|
Phối cảnh dự án KĐT Mỹ Gia. |
Nếu như đúng theo trình tự của pháp luật thì không có sở nào cho thấy Công ty Thái An được giao gói 1 và 1,5ha gói 2 tại dự án. Thay vào đó, gói 1 và 1,5ha gói 2 đã được giao như là một phần của Khu đô thị Mỹ Gia cho Công ty Vĩnh Thái thực hiện từ năm 2010. Công ty Vĩnh Thái đã nộp toàn bộ số tiền sử dụng đất của dự án này.
Mặt khác, ý kiến với VKS ngược lại với ý kiến của UBND tỉnh Khánh Hòa tại công văn bản số 8704 ngày 25/8/2020 trả lời TAND TPHCM về các vấn đề liên quan đến gói 1 và 1,5ha gói 2.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan có thẩm quyền duy nhất đối với vấn đề cho phép giao đất và cho phép đầu tư dự án bất động sản (BĐS) có sử dụng đất từ trên cở sở được chuyển nhượng, có giải thích rằng: Theo Khoản 3 Điều 48 Luật Kinh doanh BĐS thì Công ty Vĩnh Thái là chủ đầu tư của dự án và việc Công ty Thái An đề nghị thực hiện gói 1 và 1,5ha gói 2 là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Và khẳng định gói 1 không đủ điều kiện để chuyển nhượng một phần dự án theo Điểm b Khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh BĐS. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định đã từ chối việc chuyển nhượng này.
Tuy nhiên, luật sư Tuyết đề nghị VKS xem xét lại quan điểm này, với hàng loạt lý do như sau:
Một là, điều 2 thỏa thuận 61 phải được xem xét toàn diện chứ không thể trích một vài khoảm mục nhỏ sẽ làm sai lệch, thay đổi ý chí, thỏa thuận thực sự của các bên.
Hai là, khi xem xét hợp đồng hay thỏa thuận của các bên, phía luật sư cũng đề nghị VKS xem xét tính hợp pháp của những hợp đồng, thỏa thuận đó.
Ba là, việc xem xét đến quyền và nghĩa vụ của các bên có phát sinh hay không cũng cần phải xem xét thêm khi các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ thỏa thuận đấy hay chưa và thực hiện như thế nào.
Bốn là, kiến nghị HĐXX đảm bảo tính nhất quán trong việc giải thích và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử.
Luật sư kiến nghị HĐXX xem xét xác định gói 1 và 1,5ha gói 2 không thuộc phần vốn của Công ty Thái An và không phải vật chứng của vụ án. Do vậy cần phải được giải tỏa để tạo điều kiện cho Công ty Vĩnh Thái hoàn thành dự án theo đúng quy định của pháp luật và Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Từ các lẽ trên, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Vĩnh Thái đề nghị HĐXX và VKS cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Vĩnh Thái được pháp luật bảo hộ là bên ngay tình trong vụ việc - thực tế đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ vào dự án Khu đô thị Mỹ Gia và đầu tư hơn 100 tỷ vào Gói 1 của dự án.
Thứ hai, tuyên hợp đồng thế chấp giữa Công ty Thái An và DAB là vô hiệu bởi những hợp đồng này không đáp ứng đúng các quy định của pháp luật, cũng như nguyên tắc mà VKS đã đề cập trong phần luận tội.
Thứ ba, tài sản thế chấp và hồ sơ vay là cho Công ty nhưng thực chất là để ông Trần Phương Bình trả nợ 6 khoản nợ mà trước đó ông Bình đã vay cho mục đích cá nhân.
Thứ tư, đề nghị HĐXX tuyên thỏa thuận 61 đã chấm dứt và không được thực hiện bởi vì các bên đã có hợp đồng khác là hợp đồng khung 03 thay thế thỏa thuận 61 dựa trên cơ sở là sự tự nguyện của các bên và có giá trị hiệu lực từ năm 2015. Đồng thời đề nghị Tòa án xác định khoản tiền thanh lý hợp đồng mà Công ty Vĩnh Thái trả Công ty Thái An để doanh nghiệp này nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Thứ năm, đề nghị HĐXX xem xét giá trị 29% cổ phần của Công ty Bách Việt để đảm bảo các bên liên quan, DAB và của Nhà nước.