Công ty cầu đường Đại Việt bị TP HCM cấm tham gia đấu thầu 3 năm

Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt, Công ty TNHH Xây dựng Anh Hoàng bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn TP.HCM do những vi phạm trong công tác đấu thầu. 

Cong ty cau duong Dai Viet bi TP HCM cam tham gia dau thau 3 nam

Một gói thầu chống ngập của công ty Đại Việt tại đường Nhơn Đức - Phước Lộc huyện Nhà Bè vốn thường xuyên bị ngập. Ảnh: BGT

Trong báo cáo về hoạt động đấu thầu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây, UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2023, thành phố đã thực hiện 5.833 gói thầu sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị là gần 34.200 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu hơn 33.700 tỷ đồng, số vốn tiết kiệm được thông qua đấu thầu là 472 tỷ đồng.

Tổng số các gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên đã thực hiện trong năm 2023 tại thành phố là 11.815 gói thầu, với tổng giá trị được duyệt là hơn 7.560 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là 7.209 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm được thông qua đấu thầu là 350 tỷ đồng.

Về công tác đấu thầu qua mạng, thành phố có 3.872 gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc hạn mức bắt buộc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, với tổng giá trị gói thầu là hơn 14.081 tỷ đồng, trong đó có 3.870 gói thầu đã được tổ chức đấu thầu qua mạng, với tổng giá trị hơn 13.865 tỷ đồng.

Về xử phạt vi phạm đấu thầu, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2775 về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt trong thời hạn 3 năm đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của UBND Thành phố.

Thanh tra Sở KH&ĐT TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền đối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy định về đấu thầu với tổng số tiền hơn 818 triệu đồng.

Với nhóm hành vi "Không đăng tải các thông tin về đấu thầu", Thanh tra Sở KH&ĐT đã xử phạt vi phạm hành chính đối Văn phòng UBND quận 7; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Củ Chi; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Hóc Môn; Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông TP.HCM; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở KH&ĐT cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đồng Thuận Thành và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố về nhóm hành vi "Không đăng tải các thông tin về đấu thầu", "Không tuân thủ quy định về thời hạn trong việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu".

Còn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư CICON và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng SECO… bị xử phạt vì  "Nêu các điều kiện nhằm gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây cạnh tranh không bình đẳng", "Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu".

Trong năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 2 quyết định: Quyết định số 223 về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Công ty TNHH Thương mại TMDV SX Vũ Gia Khang và Quyết định số 224 đối với Công ty TNHH Truyền thông Kỹ thuật số M.

Hai Công ty trên bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong thời hạn 3 năm 6 tháng đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, UBND huyện Hóc Môn ban hành Quyết định số 4456 về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Anh Hoàng trong thời hạn 2 năm đối với các gói thầu trong phạm vi quản lý của UBND huyện Hóc Môn.

Chính quyền TP.HCM cho rằng, năm qua, quá trình lựa chọn nhà thầu còn kéo dài do sai sót khi lập, thẩm định hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu; các cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu tại các đơn vị, nhất là các đơn vị trường học, bệnh viện còn hạn chế về kinh nghiệm và kiỹ năng xử lý các tình huống. Một số chủ đầu tư/bên mời thầu chưa chủ động nghiên cứu quy định pháp luật về đấu thầu; năng lực một vài đơn vị tư vấn đấu thầu còn hạn chế; một số gói thầu mua sắm thường xuyên phải hủy thầu, phải thực hiện đấu thầu lại, mất nhiều thời gian.

Quá trình triển khai công tác đấu thầu thực tế có nhiều tình huống phát sinh mới, không thể áp dụng trực tiếp quy định để giải quyết và không có trong các quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu. Hướng xử lý vẫn mang tính chủ quan của chủ đầu tư/bên mời thầu, chưa đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Các chủ đầu tư còn thiếu kiên quyết, thiếu đôn đốc, chưa kiểm tra sâu sát thực hiện của nhà thầu tư vấn đấu thầu; năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu còn chưa cao, lúng túng.

Hiện nay, giá các danh mục vật tư hóa chất trong lĩnh vực y tế phải rà soát trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chưa thống nhất, nên gây khó khăn trong việc chọn nhà cung ứng giá thấp nhất. Trong lĩnh vực y tế, việc mua sắm thuốc đối với các gói thầu mua thuốc số lượng ít, hoặc thuốc hiếm, các bệnh viện phải tổ chức nhiều lần vì không lựa chọn được nhà thầu, cũng như không có nhà thầu tham dự…

Theo Đăng Kiệt/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN