|
Đại gia Mai Văn Huế (phải), Chủ tịch Tân Hoàn Cầu. |
Tân Hoàn Cầu - đại gia năng lượng với tham vọng tài sản đạt 1 tỷ USD
Từ năm 2018 đến nay, ngành năng lượng tái tạo đang được phát triển sôi động hơn, thu hút cả doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư. Đi theo xu hướng toàn cầu, hàng loạt các tập đoàn cũng dần tiến sâu hơn vào ngành thâm dụng vốn này. Tân Hoàn Cầu là một trong số đó.
CTCP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu tiền thân là CTCP Tân Hoàn Cầu được thành lập vào năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật là ông Mai Văn Huế (sinh năm 1975, thường trú Quảng Bình).
Theo thông tin mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tháng 10/2015, Tân Hoàn Cầu đã thay đổi tăng vốn điều lệ từ 252 tỷ đồng lên 1.166 tỷ đồng, hoàn toàn là vốn tư nhân. Cơ cấu cổ đông không được công bố.
Còn theo công bố trên website doanh nghiệp, quy mô tài sản của Tân Hoàn Cầu đạt 6.800 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 2.300 tỷ đồng, tính đến tháng 6/2018.
Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàn Cầu từng cho biết, Tân Hoàn Cầu được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính ban đầu là sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng và xây dựng các công trình điện đến 500kV trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các cơ hội, tiềm năng gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, doanh nhân Mai Văn Huế đã quyết định chinh phục ngọn “gió Lào” nơi đây thành nguồn năng lượng sạch vô tận. Quảng Trị hiện tại cũng đang trở thành thủ phủ điện gió với một loạt dự án rót vốn đầu tư.
Hiện tại, Tân Hoàn Cầu giới thiệu công ty đang làm chủ đầu tư của 17 dự án năng lượng, gồm cả điện gió và thủy điện. Các nhà máy có vốn sở hữu lên đến 12.000 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đang nuôi tham vọng trở thành “một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 1 tỷ USD vào năm 2025”.
Theo kế hoạch vốn giai đoạn 2019 – 2025 do công ty công bố, công ty cần 650 triệu USD để đầu tư các dự án, trong đó sẽ vay nợ khoảng 455 triệu USD, từ các ngân hàng trong nước (BIDV, Vietcombank và VietinBank) cùng với các nhà tài trợ tài chính quốc tế là Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg (Đức), Ngân hàng ING (Hà Lan) và Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Số vốn chủ sở hữu 195 triệu USD dự kiến sẽ được hợp tác đầu tư với các đối tác và các quỹ đầu tư quốc tế.
Trong hệ sinh thái doanh nghiệp của doanh nhân Mai Văn Huế còn có 6 thành viên khác gồm: CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre, CTCP Năng Lượng Quảng Trị, CTCP Đầu tư Thanh Hoa, CTCP Thủy điện Trường Sơn, CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước và CTCP Nước sạch THC.
Loạt dự án năng lượng của Tân Hoàn Cầu
Hiện tại Tân Hoàn Cầu đang đầu tư 3 cụm dự án điện gió với tổng công suất 420 MW, lần lượt là cụm điện gió Hướng Linh (150 MW), cụm điện gió Bái Dinh (180 MW), cụm điện gió Hướng Hiệp (90 MW)
Trong đó, tháng 5/2017, Tổng công ty đã hoàn thiện dự án điện gió Hướng Linh 2 (Quảng Trị) với tổng công suất lắp đặt là 30MW, tổng đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, dự án cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình là 122,34 triệu kWh/năm. Đây là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị khai thác nguồn tài nguyên gió để biến thành nguồn năng lượng điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Đối với mảng thủy điện, công ty đang đầu tư 5 dự án với tổng công suất 82,3 MW, trong đó đã vận hành 3 nhà máy công suất từ 4,5 – 9 MW tại Quảng Trị và đã được đưa vào vận hành, 2 nhà máy đang xây dựng.
Tân Hoàn Cầu đặt tham vọng sẽ đạt 1,1 GW năng lượng tái tạo. Tuy nhiên đến nay, rất nhiều dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng/hoàn thiện thủ tục pháp lí.
|
Nguồn: Tổng hợp từ công bố của Tân Hoàn Cầu. |
|
Những lùm xùm
Cuối năm 2023, tờ Lao động có bài phản ánh về việc 2 nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 do Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư đã thi công trụ điện gió trên đất rừng phòng hộ từ năm 2017.
Hai dự án này có 30 trụ điện gió (tuabin) được thi công, hoàn thành và hoạt động vào tháng 9/2017 (Hướng Linh 2) và tháng 10/2019 (Hướng Linh 1). Nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động, hiện lộ diện các sai phạm nghiêm trọng khi có 3 trụ điện gió có số thứ tự 1 (Hướng Linh 1), 6 và 15 (Hướng Linh 2) được xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã xác định chủ đầu tư có 16 móng trụ của tuyến đường dây điện 110kV được xây dựng trên phần đất chưa được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất.
Ngày 26/5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nhận được đề nghị của Tân Hoàn Cầu xin hoàn trả lại gần 9,8 ha diện tích đất cũ đã thuê và cập nhật, điều chỉnh lại diện tích vị trí mới của dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Nhà máy điện gió Hướng Linh 2. Lý do hoàn trả là vì gần 9,8 ha đất không phù hợp để xây dựng công trình dự án.
Đặc biệt, công ty xin cập nhật, điều chỉnh, chuyển đổi đất năng lượng của dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 sang đất năng lượng của dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 là 0,97 ha; và điều chỉnh, chuyển đổi đất năng lượng của dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 sang đất năng lượng của dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 là 0,3 ha.
Lý do phải cập nhật, điều chỉnh, chuyển đổi đất năng lượng nói trên, Tân Hoàn Cầu giải thích rằng, do quá trình thi công dự án thì người dân ngăn cản, gây khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ, nên chủ đầu tư đã điều chỉnh vị trí trụ điện gió ra khỏi vị trí đã được cấp phép.
Cũng theo tổng công ty, việc điều chỉnh vị trí xây dựng các trụ điện gió ra ngoài phạm vi cấp phép “đã được các cơ quan bộ ngành đồng ý chấp thuận”.
Trước đề xuất của Tân Hoàn Cầu, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nói rằng, đang giao cho các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án giải quyết hợp tình, hợp lý.
|
Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2. |
Ngoài việc xây dự án lấn chiếm đất phòng hộ, Tân Hoàn Cầu còn bị ngân hàng siết nợ.
Tháng 8/2023, Ngân hàng VietinBank đã rao bán những khoản nợ xấu giá trị nghìn tỷ phát sinh từ CTCP Năng lượng Quảng Trị và CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước thuộc hệ sinh thái của Tân Hoàn Cầu.
Cụ thể, khoản nợ xấu của Công ty Năng lượng Quảng Trị phát sinh tại Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Tây Hà Nội có tổng dư nợ tính đến ngày 10/7/2023 là hơn 160,8 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 139 tỷ đồng và lãi hơn 21 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm đấu giá là 193 tỷ đồng.
Bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ tài sản hình thành thuộc Dự án Đầu tư công trình thủy điện Hướng Phùng tại xã Hướng Phùng và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); quyền sở hữu, quyền tài sản phát sinh từ 100% cổ phần Công ty Năng lượng Quảng Trị thuộc sở hữu của Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (tỷ lệ sở hữu 68,3%), bà Đặng Thị Mỹ Hạnh (12,8%), bà Hồ Thị Ngọc Lan (6,7%), ông Mai Văn Huế (12,2%).
Về hiện trạng các tài sản bảo đảm, công trình Thủy điện Hướng Phùng chưa hoàn thành, đang dừng thi công; 100% cổ phần Công ty CP Năng lượng Quảng Trị đang được thế chấp tại VietinBank - Chi nhánh Tây Hà Nội.
Bên cạnh đó, VietinBank còn rao bán khoản nợ với Thủy điện Trường Sơn Bình Phước mức giá khởi điểm lên đến 1.450 tỷ đồng. Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8/2023.
Công ty này là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Đức Thành (42 MW) tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 10/2022, UBND tỉnh Bình Phước đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án lần thứ 3, theo đó thời gian đi vào hoạt động dự kiến từ tháng 12/2024.
|
Ảnh minh họa. |
Ngoài dính nợ xấu, Tân Hoàn Cầu còn dính đến việc nợ thuế. Tháng 4/2024, tổng công ty bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế trích tiền từ tài khoản với số tiền gần 4 tỷ đồng, là tiền nợ thuế đã quá hạn nộp.
Mới đây, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Mai Văn Huế. Vị đại gia có tiếng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo này sẽ không được rời khỏi Việt Nam từ ngày 28/6/2024.
Nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió. Riêng Tân Hoàng Cầu có 4 dự án điện gió bị yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu.