Theo văn bản, thực hiện chỉ thị số Chỉ thị số 12 ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 8232 ngày về việc thực hiện Chỉ thị số 12.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi, đến nay nhiều sở ngành, địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12. Công tác quy hoạch, quản lý sau quy hoạch chưa đạt hiệu quả, tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng lấn chiếm đất công, xây trình công trình trên đất công nghiệp, tự xây đường trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền trái quy hoạch...
Do đó, để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, hành lang an toàn đường bộ và chỉnh trang đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, TP thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, TP tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 8232…. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, nâng cao ý thức của người dân về trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.
Tổ chức phát động tháng cao điểm tuyên truyền, vận động người dân (trước hết, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu) tự giác chấp hành việc tháo dỡ, khắc phục vi phạm đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới lấn chiếm lòng, lề đường, lộ giới.
Sau đó chỉ đạo đồng loạt các cấp ra quân, triển khai đến tất cả các hệ thống đường bộ (kể cả đường giao thông nông thôn) để tổ chức giải toả hoặc cưỡng chế giải toả, tổ chức cắm lại mốc lộ giới, khoảng lùi xây dựng theo quy định và theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm…
Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai giấy phép được cấp tại địa phương;
Các tổ chức, cá nhân môi giới xây dựng các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan Công an để có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Chủ tịch tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các trường hợp lấn chiếm sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc các trường hợp hiến đất làm đường giao thông phục vụ mục đích phân lô, bán nền trái quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với các công trình đang xây dựng trên địa bàn (bao gồm cả việc xử lý các trường hợp sai phạm).
Báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm đối với các địa phương không, chậm triển khai hoặc triển khai không hiệu quả, vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn quản lý; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/4…
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản 883 về việc xử lý kết quả tổng hợp việc hiến đất, mở đường nhằm mục đích tách thửa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện yêu cầu tạm dừng san lắp mặt bằng, thi công công trình, không được làm cổng, rào chắn đối với đường đã thi công trên diện tích đã hiến làm đường để bàn giao cho địa phương quản lý làm đường công cộng.
UBND các huyện rà soát lại toàn bộ diện tích đất của các hộ hiến, trả lại đất để mở đường, san lấp mặt bằng, phân lô trên địa bàn tỉnh. Sau khi đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, các địa phương xem xét xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các huyện tiến hành rà soát, lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 26 gửi Thanh tra tỉnh, UBND TP Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm cùng các Sở, ngành liên quan đề nghị cử cán bộ tham gia đoàn công tác theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo đó, mỗi sở ngành, UBND TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm cử 1 cán bộ lãnh đạo làm thành viên của tổ công tác cùng 1 cán bộ gúp việc cho tổ.
Sau khi được thành lập, Tổ công tác sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông mới để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Khi hoàn tất công tác, tổ sẽ báo cáo kết quả, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm những sai phạm theo quy định, không để thất thoát ngân sách nhà nước.