Liên quan đến thông tin công trình 189 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị người dân phản ánh xây vượt quá diện tích đã được cấp giấy phép, ngày 13/4 PV đã có buổi làm việc với bà Lê Hoài Hương - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai.
Tại buổi làm việc, bà Lê Hoài Hương khẳng định ngay từ đầu xây móng công trình 189 Minh Khai đã xây đúng nội dung giấy phép, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nội dung này phường có biên bản kiểm tra và đã gửi hết hồ sơ lên quận.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nhà số 189 có làm đổ tường công trình bên cạnh. Việc này chính quyền cũng mời người dân đến UBND phường để giải quyết, hòa giải.
|
Công trình số 189 Minh Khai hiện đã đổ mái xong tầng thứ 4. |
Trước đó, theo phản ánh của người dân, công trình 189 Minh Khai đã được UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng số 789/GPXD ngày 18/12/2020. Nội dung trong Giấy phép xây dựng nêu, công trình số 189 Minh Khai là nhà ở riêng lẻ, được xây dựng 5 tầng và tum thang. Trong đó, diện tích xây dựng (tầng một) là 59m2; chiều cao công trình tính từ cốt hè thiết kế đến đỉnh mái tum thang là 18,0m; tổng diện tích sàn xây dựng mới là 282,7m2; mật độ xây dựng 100%.
Tuy nhiên trong quá trình thi công, công trình 189 Minh Khai đã ngang nhiên xây vượt diện tích lên tận 64,3m2 thay vì 59,0m2 được cấp phép?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của sự việc, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp vi phạm thuộc khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: “a) Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; c) Xây dựng công trình sai cốt xây dựng; d) Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này);
đ) Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.”
Ngoài việc xử phạt tiền, chủ công trình có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét thật kỹ để làm rõ công trình 189 có vi phạm trật tự xây dựng hay không, chứ không thể kiểm tra “qua loa”. Nếu công trình vượt quá theo như người dân phản ánh thì cụ thể phần vượt quá là bao nhiêu? Khi xác định được vi phạm cần phải tiến hành áp dụng các biện pháp xử phạt phù hợp và đúng quy định.
Do công trình đang thi công xây dựng nên sẽ được xử lý như sau: Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng.
Hết thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.