Chia tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam?

Bộ GTVT kiến nghị tổ chức lại Tổng cục Đường bộ VN thành Cục Đường bộ VN và Cục Đường cao tốc VN.
Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.
Tinh gọn nhiều bộ máy
Theo đó, đối với các tổ chức tham mưu, giúp việc Bộ trưởng, Bộ GTVT đề nghị tiếp tục duy trì 6 tổ chức gồm: Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng.
Tuy nhiên, Bộ GTVT kiến nghị hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; tổ chức lại 3 Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, An toàn giao thông thành 2 Vụ, theo đó sẽ giải thể Vụ An toàn giao thông; sáp nhập Vụ PPP vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Bo GTVT trinh Chinh phu “chia tach” Tong cuc Duong bo Viet Nam
 Tổng cục Đường bộ VN được kiến nghị tách thành Cục Đường bộ VN và Cục Đường cao tốc VN.
Bộ GTVT cũng kiến nghị chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp vào điều khoản chuyển tiếp. Hiện nay, tuy Bộ GTVT còn quản lý 7 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng trong đó có 3 tổng công ty tiếp tục duy trì mô hình là công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn;
Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (DAMCO) sẽ tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) sẽ tái cơ cấu theo kết luận của Bộ Chính trị, dự kiến sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu, xử lý tiếp 156 doanh nghiệp thuộc SBIC.
Đây là vấn đề phức tạp, việc xử lý phải có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài. Do đó, trong giai đoạn này, cần duy trì Vụ Quản lý doanh nghiệp là đầu mối chủ trì tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước cũng như các vấn đề sau cổ phần hóa và sắp xếp doanh nghiệp.
Sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu sắp xếp Vụ Quản lý doanh nghiệp để đảm bảo tinh gọn bộ máy; đồng thời điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ của Vụ Quản lý doanh nghiệp cho phù hợp.
Đối với các Cục, Tổng cục trực thuộc, Bộ GTVT sẽ tiếp tục duy trì 6 Cục (bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định), gồm: Cục Hàng hải VN, Cục Hàng không VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Đăng kiểm VN, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Trong đó, đổi tên Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng. Chuyển Cục Y tế GTVT vào điều khoản chuyển tiếp.
Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị tổ chức lại Tổng cục Đường bộ VN thành Cục Đường bộ VN và Cục Đường cao tốc VN. Đây là Tổng cục duy nhất thuộc Bộ GTVT, là đầu mối tập trung quản lý hệ thống quốc lộ và đường cao tốc.
Đề xuất cũng có cơ sở 
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Đề án này nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ.
“Nhiệm kỳ mới, các Bộ, ngành, cơ quan rà soát chức năng nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy và trình lại để điều chỉnh các văn bản theo quy định pháp luật. Chủ trương chung là phải rà soát các đầu mối của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đúng theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương”, ông Đông nói.
Theo thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã trình và đã được các bộ như Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp làm việc và cho ý kiến trong quá trình rà soát.
Bộ GTVT đã thực hiện rà soát, sắp xếp theo hướng thu gọn các đầu mối, đặc biệt là một số các Vụ chức năng tương đồng thì đề xuất ghép để đảm bảo tập trung quản lý và giảm đầu mối. Xem xét giảm các Cục và các đơn vị có thể đưa về các địa phương”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, khi rà soát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đáp ứng được tất cả các tiêu chí của mô hình Tổng cục. Do đó có đề xuất không duy trì Tổng cục mà xây dựng mô hình Cục tương tự như Cục quản lý chuyên ngành khác của ngành GTVT.
“Vừa qua, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT đã xem xét hình thành một Cục chuyên trách về lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc và quản lý khai thác đường cao tốc. Còn quản lý Nhà nước về đường bộ thì là Cục Đường bộ Việt Nam”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, theo Nghị quyết của Đại hội XIII từ nay đến năm 2030 nước ta sẽ có 5.000 km đường cao tốc. Quy hoạch dài hạn hơn, chúng ta sẽ có 9.000 đến 10.000 km đường cao tốc. Với nhiệm vụ chính trị này, thì phương án Bộ đề xuất cũng có cơ sở cho những định hướng phát triển, quản lý khai thác.
Phải thống nhất, hợp lý
Báo chí từng đặt vấn đề về việc "Theo tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, có nội dung đáng chú ý là đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách ra làm 2 đơn vị quản lý sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo. Quan điểm của Bộ Nội vụ về đề xuất này?".
Ông Vũ Hải Nam - Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho rằng với đường bộ hiện đang có sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Trung ương quản lý các tuyến quốc lộ; địa phương quản lý tỉnh lộ và huyện lộ.
Theo ông Nam, có 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020 của Chính phủ.
Đối chiếu vào đó thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.
Ông Nam cho biết, đường quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước. Nhưng bên cạnh đó, còn có hệ thống tỉnh lộ và huyện lộ đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, giải phóng mặt bằng, đầu tư...
"Khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì có ý kiến băn khoăn liệu về việc có chồng chéo hay không? Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất.
Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý", Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế nói.
Ông Vũ Hải Nam giả sử Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn vừa hiệu quả.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần giảm các đầu mối trung gian, tầng nấc.
Do đó, với những đơn vị không đảm bảo tiêu chí của tổng cục, trừ trường hợp đặc biệt thì sẽ sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
"Tinh thần là phải sắp xếp lại hết, không thể linh hoạt được với Tổng cục và tương đương, đối với Vụ cũng vậy, cấp Phòng cũng vậy. Sau khi sắp xếp sẽ giảm rất nhiều về cục, vụ, phòng", Bộ trưởng Bộ Nội  thông tin.
Thiên Tuấn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN