“Ông lớn” nhận án phạt
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa xử phạt Công ty CP năng lượng tái tạo Đại Dương (Công ty Đại Dương) 225 triệu đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp này phải nộp lại số tiền thu lợi trên 1,1 tỷ đồng.
Công ty Đại Dương bị phạt do đã thực hiện các hành vi sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, gọi là hành vi chiếm đất.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã có hành vi chiếm đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm, đất đường bờ) tại khu vực nông thôn với tổng diện tích 86.627,6 m2; Chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ (môi trường cảnh quan) tại khu vực nông thôn với diện tích 4.281,4 m2 thuộc một phần tiểu khu 165A do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Được biết, Công ty Đại Dương hiện là chủ đầu tư Nhà máy điện gió Cầu Đất, tại thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.440 tỷ đồng, trên diện tích trên 23ha.
Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2009, cấp thay đổi lần thứ 5 vào năm 2020. Mục tiêu là sản xuất kinh doanh điện, dự kiến sản lượng điện hàng năm khoảng 216,292 GWh/năm.
Dự án hiện đã thi công hoàn thành 10/10 km đường nội bộ của dự án. Xây dựng hoàn thành trạm biến áp, tuyến đường dây 110 KV, nhà điều hành, khu vực nhà điều khiển về hệ thống cáp trung thế 22 kv nối giữa các tuabin với trạm biến áp 110 kv.
Đã thi công xây dựng, lắp đặt hoàn thiện 15 tuabin gió và bãi cầu, đã đóng điện 15 tuabin gió, đã hoà lưới thành công 15 tuabin gió. Đến nay, dự án nhà máy điện gió Cầu Đất đã hoàn thành hoà lưới và phát điện ổn định, tuy nhiên vẫn chờ cơ chế giá mới từ Chính phủ, Bộ Công thương và EVN để vận hành thương mại.
Liên quan tới dự án này, vào ngày 23/6/2021, Công ty Đại Dương đã phát hành thành công lô trái phiếu 468 tỷ đồng cho một tổ chức tín dụng trong nước. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn tới 14 năm (ngày đáo hạn là 3/4/2035), lãi suất áp dụng cho năm tính lãi đầu tiên là 9%/năm. Các kỳ tính lãi còn lại, lãi suất của trái phiếu được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,7%/năm.
Trái phiếu này được bảo đảm bằng toàn bộ tài sản của Công ty Đại Dương; là các quyền, các khoản thu, lợi tức phát sinh từ Nhà máy điện gió Cầu Đất; toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại Công ty Đại Dương;…
Theo kế hoạch, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Công ty Đại Dương sử dụng để tài trợ chi phí xây dựng, thiết bị để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất.
|
Nhà máy điện gió Cầu Đất tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt - Ảnh: baolamdong.vn |
Công ty Đại Dương của ai?
Tìm hiểu cho thấy, Công ty Đại Dương thành lập năm 2012, đặt trụ sở tại thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, Thành phố Đà Lạt. Doanh nghiệp này hiện do ông Đỗ Văn Bình làm Giám Đốc. Ông Bình sinh năm 1960, quê tại Lương Tài, Bắc Ninh.
Đến ngày 23/9/2020 Công ty Đại Dương có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, trong đó, ông Bình góp tới 296,4 tỷ đồng để sở hữu 82,33% cổ phần.
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Bình và các thành viên trong gia đình đã sáng lập ra "hệ sinh thái" Ocean Group, với thành viên nổi bật là Công ty CP Đại Dương. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 9/2007, đặt trụ sở chính tại TP Bắc Ninh.
Tính đến ngày 9/6/2021, quy mô vốn điều lệ của Công ty CP Đại Dương đạt 600 tỷ đồng, Tổng giám đốc là bà Lưu Thị Chung (SN 1964). Bà Chung cũng chính là vợ của ông Đỗ Văn Bình.
Công ty CP Đại Dương cũng là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp đường Nguyễn Quyền, TP Bắc Ninh, quy mô 14,2ha.
Không những thế, ông Đỗ Văn Bình còn là Chủ tịch HĐQT, kiêm đại diện theo pháp luật cho Công ty CP Căn nhà mơ ước Phú Quốc. Vào tháng 12/2016, Công ty CP Đại Dương chính thức trở thành công ty mẹ của Công ty CP Căn nhà mơ ước Phú Quốc.
Tính đến tháng 5/2020, Công ty CP Căn nhà mơ ước Phú Quốc đã tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Và doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư dự án resort quy mô 8,6ha tại Bắc Bãi Trường, Phú Quốc.
Ông Đỗ Văn Bình cũng là người đại diện theo pháp luật cho Công ty CP Thủy điện Sông Bạc. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Sông Bạc, được xây dựng trên sông Bạc thuộc xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang với công suất lắp máy 42 MW, điện lượng bình quân/ năm khoảng 166,51 triệu KWh cung cấp nhu cầu phụ tải hệ thống điện quốc gia và khu vực tỉnh Hà Giang.
Bên cạnh đó, ông Bình còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà.
Vị này cũng từng có 11 năm làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc, cán bộ Công ty Cơ khí Thủy sản Trung ương (1990-1993), Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Gleximco tại Hà Nội (1993-1997), Giám đốc Công ty XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam - Vinagimex (1997-2007).