Cảnh nợ nần của nhóm công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh

Là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản định vị phân khúc siêu sang, phần lớn dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều đang được phụ trách bởi một công ty thành viên. 

Trong đó, nhóm công ty con gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt; Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil là các chủ đầu tư dự án nổi tiếng nhất của tập đoàn.

Đây cũng là 3 doanh nghiệp liên quan vụ phát hành 9 đợt trái phiếu giá trị hơn 10.000 tỷ đồng trái quy định pháp luật. Kết quả là Ủy ban Chứng khoán đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này, đồng thời Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo báo cáo tài chính đến năm 2020, nhóm công ty này cũng là những thành viên có giá trị tài sản lớn nhất thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tuy nhiên, phần lớn tài sản các công ty lại được cấu thành từ nợ.

Công ty lớn nhất trong nhóm này là Ngôi Sao Việt, doanh nghiệp đứng ra đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm rồi bỏ cọc và là chủ đầu tư dự án D’.Capitale Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Canh no nan cua nhom cong ty thuoc tap doan Tan Hoang Minh

Ngôi Sao Việt chính là chủ đầu tư của dự án D’.Capitale Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Việt Linh.

Công ty con lớn nhất của Tân Hoàng Minh

Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Ngôi Sao Việt là 1.600 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Mạnh Dũng nắm 80,729% và Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc nắm 19,271% còn lại.

Trong đó, Hoàng Hải Phú Quốc có vốn điều lệ gần 882 tỷ đồng, do ông Đỗ Hoàng Việt (con trai thứ 2 của ông Đỗ Anh Dũng) làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Ông Việt cũng là phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm đấu thầu; Trung tâm tài chính kế toán Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông cũng là một trong 6 bị can bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố cùng với ông Dũng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngôi Sao Việt hiện là công ty con lớn nhất trong hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh với tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản công ty này biến động rất mạnh trong giai đoạn 2016-2020, thời điểm xây dựng và mở bán dự án D’.Capitale.

Cụ thể, năm 2016, tổng tài sản của công ty này là 8.310 tỷ đồng và tăng vọt lên mức 16.131 tỷ chỉ một năm sau đó (2017). Giá trị tài sản doanh nghiệp những năm tiếp theo đạt lần lượt 17.313 tỷ (năm 2018); 8.301 tỷ (năm 2019) và 7.605 tỷ đồng (năm 2020).

Dù sở hữu tổng tài sản trên dưới chục nghìn tỷ, nhưng phần lớn số này lại được cấu thành từ các khoản nợ phải trả.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA CÔNG TY NGÔI SAO VIỆT

Nhãn 2016 2017 2018 2019 2020
Doanh thu tỷ đồng 0 0 80.3 10036 784
Lợi nhuận sau thuế
-1.8 -4.2 -10 271 -1003

Theo đó, năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty này là hơn 1.900 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới trên 6.400 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 3,4 lần. Khoản nợ phải trả thời điểm này cũng chiếm gần 80% tổng tài sản công ty.

Đến năm 2020, trong số 7.605 tỷ đồng tổng tài sản thì nợ phải trả của Ngôi Sao Việt cũng là hơn 6.800 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ là hơn 800 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ ở mức 8,4 lần. Mức rất cao so với cơ cấu tài chính của một doanh nghiệp bất động sản.

Cũng trong giai đoạn này, kết quả kinh doanh của Ngôi Sao Việt tương đối trồi sụt. Sau giai đoạn 2016-2017 không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng, đến năm 2018, công ty ghi nhận 80,3 tỷ đồng doanh thu, nhưng chịu lỗ 10 tỷ đồng.

Doanh thu công ty tăng đột biến lên 10.036 tỷ đồng trong năm 2019 sau đó cùng với khoản lãi sau thuế kỷ lục 271 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, doanh thu của công ty này đã giảm mạnh về 783 tỷ đồng cùng khoản lỗ ròng hơn 1.000 tỷ.

Tính trong 5 năm giai đoạn này, Ngôi Sao Việt ghi nhận gần 11.000 tỷ đồng doanh thu nhưng lại lỗ lũy kế hơn 700 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp chỉ còn gần 804 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.902 tỷ năm trước đó.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu rất cao

Cũng sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng là Công ty Soleil, chủ đầu tư Dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An tại số 2 Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội). Đến cuối năm 2020, công ty có tổng tài sản 6.255 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 281 tỷ đồng, còn lại hơn 5.974 tỷ là nợ phải trả. Như vậy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Soleil lên tới 21,2 lần.

Tương tự Ngôi Sao Việt, năm kinh doanh hiệu quả nhất của Soleil cũng là 2019 với 2.595 tỷ đồng doanh thu và 71,5 tỷ đồng lãi trước thuế. Các năm còn lại, công ty này chủ yếu thua lỗ. Riêng năm 2020, công ty ghi nhận 318 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ ròng 135 tỷ.

Tính trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu lũy kế của công ty này là 2.900 tỷ, nhưng lại lỗ sau thuế hơn 128 tỷ đồng.

QUY MÔ TÀI SẢN MỘT SỐ CÔNG TY THÀNH VIÊN CỦA TÂN HOÀNG MINH

Nhãn Cty Ngôi Sao Việt Cty Dịch vụ Khách sạn Soleil Cty Xây dựng Phú Thanh Cty Cung Điện Mùa Đông
Tổng tài sản tỷ đồng 7605 6255 2488 2177
Nợ phải trả
6801 5974 2274 1879
Vốn chủ sở hữu
804 281 213 298

Là doanh nghiệp có quy mô tài sản nhỏ nhất nhóm nhưng Cung Điện Mùa Đông, chủ đầu tư dự án D’. El Dorado I, lại là công ty phát hành trái phiếu lớn nhất giai đoạn tháng 7/2021-3/2022 của Tân Hoàng Minh.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong nửa năm trở lại đây, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 3 lô trái phiếu và huy động 3.680 tỷ đồng, cao nhất trong số 3 công ty khiến ông chủ tập đoàn bị khởi tố.

Tuy nhiên, tương tự 2 công ty trên, chủ đầu tư này cũng sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao với tỷ lệ nợ/vốn chủ ở mức 6,3 lần vào cuối năm 2020.

Cụ thể, tổng tài sản đến cuối năm 2020 của Cung Điện Mùa Đông là 2.177 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm hơn 86%, tương đương 1.879 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ là 298 tỷ đồng.

Tương tự Soleil, Cung Điện Mùa Đông cũng chưa ghi nhận doanh thu bán hàng giai đoạn 2016-2018. Đến năm 2019, công ty này đạt 1.141 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế gần 77 tỷ đồng. Khoản doanh thu đã giảm mạnh trong năm tiếp theo còn 113 tỷ và lợi nhuận giảm về 4,3 tỷ đồng.

Liên quan vụ việc khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, cơ quan điều tra xác định ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã cùng các cá nhân khác sử dụng 3 công ty thành viên kể trên để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định.

Tổng trị giá trái phiếu phát hành là 10.300 tỷ đồng, tuy nhiên tiền huy động từ nhà đầu tư đã không được sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành.

Kết quả là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này, còn ông Đỗ Anh Dũng cùng các cá nhân liên quan bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tối 5/4, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Đỗ Anh Dũng (61 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 ngưòi khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt), Trần Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), Nguyễn Khoa Đức (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông), Lê Văn Thịnh ( Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Tài chính kế toán Tân Hoàng Minh).

 

Quang Thắng/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN