Cần xử lý mạnh tay người phân lô đất nông nghiệp xây dựng cơ sở lưu trú du lịch

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng cần phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và bán, huy động vốn trái phép

Theo HoREA, trong vài năm gần đây, đã có một số trang trại sản xuất nông nghiệp, nhưng kết hợp kinh doanh "cơ sở lưu trú du lịch" theo mô hình "khu du lịch trải nghiệm nông thôn - farmstay", để khách du lịch lưu trú và trải nghiệm các hoạt động sản xuất, sinh hoạt tại nông thôn (tương tự như kinh doanh "nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay").

"Nếu dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch thì bình thường.

Nhưng, nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng “farmstay” mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì cần phải được chấn chỉnh, xử lí kịp thời", HoREA nhận định.

 HoREA cho rằng cần phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và bán, huy động vốn trái phép các lô "farmstay" cho các nhà đầu tư thứ cấp.

"Tuy nhiên, loại hình dự án "khu du lịch trải nghiệm nông thôn - farmstay" là nhu cầu mới của thị trường du lịch và thị trường bất động sản du lịch, nên rất cần xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh, đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững",  HoREA nhấn mạnh.

Nguyên nhân phát triển tự phát loại hình kinh doanh "farmstay", theo HoREA có nguyên nhân có thể bắt nguồn từ Văn bản dưới Luật Đất đai như: Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai chỉ quy định việc tách thửa đối với "đất ở nông thôn" và "đất ở đô thị".

Nhưng, Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP bổ sung Điều 43d vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đã cho phép tách thửa đối với từng loại đất (Điều 43d. Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương).

Can xu ly manh tay nguoi phan lo dat nong nghiep xay dung co so luu tru du lich
 Ảnh minh họa internet.

Chính các quy định này không phù hợp với Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai, vì đã cho phép tách thửa đối với cả các loại đất không phải là "đất ở", có thể làm gia tăng tình trạng phân lô bán nền tràn lan, hoặc tách thửa đất nông nghiệp… khó kiểm soát.

Theo Hiệp hội, có nguyên nhân có thể từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, đối với loại hình kinh doanh "farmstay" của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Hoặc có nguyên nhân từ hoạt động đầu tư kinh doanh loại hình "farmstay" của một số tổ chức, cá nhân nhưng không tuân thủ pháp luật.

Từ thực trạng trên, HoREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định tại Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai, chỉ cho phép tách thửa đối với "đất ở nông thôn" và "đất ở đô thị", không cho phép tách thửa đối với các loại đất không phải "đất ở".

Đối với các loại đất khác xen cài trong khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa để làm nhà ở, thì trước hết phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành "đất ở", rồi sau đó mới thực hiện thủ tục tách thửa "đất ở" theo quy định.

Các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ, để thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án "farmstay", thì phải lập "dự án đầu tư" theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về du lịch, phải phù hợp với quy hoạch và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận.

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xem xét đề xuất bổ sung loại cơ sở lưu trú du lịch (mới) là "khu du lịch trải nghiệm nông thôn - farmstay" vào Điều 48 Luật Du lịch để thống nhất quản lý và sửa đổi Quyết định 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, để bổ sung cơ chế quản lý vận hành đối với loại hình "farmstay".

Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu xử lý một số thông tin phản ánh về mô hình “farmstay”.

Mô hình “farmstay” nở rộ với nhiều hình thức mới nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và phần lớn các dự án có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm. Thủ tướng yêu cầu các bộ VH-TT&DL, TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN