Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Đấu giá đất Thủ Thiêm làm nhiễu loạn thị trường

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thực trạng, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn và trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm là “điển hình làm nhiễu loạn thị trường”.

Chấm dứt tình trạng “vừa rải thảm, vừa rải đinh”

Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều nước rất mạnh tay chi ngân sách cho phục hồi kinh tế.

Với Việt Nam, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát, vì không còn cách nào khác. Trong đó, mục tiêu cao nhất phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Trong gói này, Chủ tịch nước lưu ý ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém. Đối với gói hỗ trợ cho người lao động khu vực ảnh hưởng, lãnh đạo nhà nước đề nghị, cần đẩy nhanh, khẩn trương quyết liệt thực hiện để sớm đến tay người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, vì nhiều gói hỗ trợ còn chậm.

“Phải làm sao hỗ trợ nhanh nhất, thuận tiện nhất và chống tham ô, lãng phí tốt nhất”, Chủ tịch nước lưu ý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng gợi mở cần có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam, chấm dứt tình trạng “vừa rải thảm, vừa rải đinh”.

Bo truong Tai chinh Ho Duc Phoc: Dau gia dat Thu Thiem lam nhieu loan thi truong-Hinh-3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh Như Ý

Huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, 2021 là năm khó khăn chưa có tiền lệ, nhưng thu ngân sách đạt 1,5 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán. Trên thị trường chứng khoán có sức bật tốt, là kênh huy động vốn hiệu quả với quy mô vốn hóa thị trường đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với năm ngoái.

Với trái phiếu doanh nghiệp, huy động cũng đạt 155.588 tỷ đồng, gấp 2,3 lần trước đây. Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, đối với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

“Vì nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”, ông Phớc nêu.

Bo truong Tai chinh Ho Duc Phoc: Dau gia dat Thu Thiem lam nhieu loan thi truong-Hinh-4

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý

Huy động tiền trong dân

Theo đại biểu Phan Chí Hiếu (Thái Bình), gói hỗ trợ của chương trình phải có quy mô đủ lớn, đúng và trúng đối tượng. Ông Hiếu đề nghị cần tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ. Ông ví dụ gói giảm phí, lệ phí, nếu tính toán càng sát, sau này càng dễ thực hiện. Ngược lại, nếu tính không sát, sau này “đội” lên thì rất khó.

Nhưng theo đại biểu, điều quan trọng nhất là nguồn lực ở đâu? Bởi theo ông, vốn ODA hiện chưa rõ có khả thi không, trong khi nguồn lực huy động từ cổ phần hóa cũng chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi tờ trình dự kiến đưa ra con số cao hơn nhiều lần. “Theo tôi, kế hoạch huy động vốn phải thật sát. Nếu không huy động kịp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giải ngân và hiệu quả chương trình”, ông Hiếu nêu.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, nguồn vốn trong dân còn rất lớn. “Thị trường chứng khoán và bất động sản tăng do vốn trong dân, vậy phải làm sao để kéo nguồn vốn này ra, nhất là trong hai năm sắp tới. Làm sao để người dân ùn ùn kéo đến gửi tiền, gửi vàng!?”, ông Thân gợi ý giải pháp vay vốn trong dân với lãi suất 6%/năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cá nhân ông đã đề nghị kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về phục hồi phát triển kinh tế gắn với phòng, chống COVID. “Ông phòng chống COVID cứ ngăn sông cấm chợ, cứ cấm xe vận tải, sợ dịch thì làm sao kinh tế phát triển được”, ông Định nêu.

Từ việc kiện toàn Ban chỉ đạo này, ở địa phương, Chủ tịch UBND, Bí thư cấp tỉnh sẽ là Trưởng ban, vừa điều hành phòng chống COVID, vừa phát triển kinh tế. Còn ở Trung ương, Thủ tướng điều hành, vừa phòng chống COVID, vừa phát triển kinh tế. Rồi phải ràng buộc trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, mặt trận, đoàn thể. 

Theo Luân Dũng/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN