Cụ thể, UBND tỉnh đề xuất không đưa các công trình kết cấu hạ tầng thuộc khu bay dùng chung như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân chờ... vào danh mục tài sản đặc biệt.
Thay vào đó, tỉnh kiến nghị xác định các công trình này là công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng vừa kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là sân bay lưỡng dụng theo Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 18.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc khai thác tài sản quân sự cho mục đích dân sự gặp vướng mắc do các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ.
Các quy định này quy định tài sản kết cấu hạ tầng hàng không là tài sản đặc biệt và tài sản chuyên dùng tại lực lượng vũ trang không được sử dụng vào mục đích kinh doanh. Việc xử lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng chỉ được thực hiện sau khi loại ra khỏi biên chế tài sản và phải được Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục tiêu chuẩn, định mức sử dụng.
Để tháo gỡ vướng mắc này, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Quốc phòng xem xét và có ý kiến thống nhất với đề xuất của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu phương án vận hành, khai thác, bảo trì cho phù hợp.
|
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh: Sở GTVT Bình Thuận. |
Hiện nay, sân bay Phan Thiết đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục quân sự và đưa vào khai thác cho hoạt động bay huấn luyện. Tuy nhiên, dự án BOT (nhà ga và các hạng mục dân sự) vẫn chưa tìm được nhà đầu tư mới sau khi chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư cũ là Công ty CP Rạng Đông.
Cụ thể, tại tờ trình ngày 20/11/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị cho phép đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư mới xây dựng cảng hàng không Phan Thiết.
Tiếp đó, ngày 11/3/2024, UBND tỉnh tiếp tục có tờ trình đề xuất cho đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, vị trí nhà đầu tư của dự án sân bay Phan Thiết vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này khiến cho việc khai thác hiệu quả toàn bộ sân bay, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung vẫn còn dang dở.