Cuộc đua mở rộng quỹ đất
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đón nhận thêm dự án mới. Cụ thể, Công ty TNHH Saigontel Long An, thành viên trực thuộc Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã chứng khoán SGT) đã được UBND tỉnh Long An trao quyết định về chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Lập, với diện tích hơn 244 ha tại xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc (Long An). Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 2.590 tỷ đồng.
Saigontel vốn là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ Internet ở các khu công nghiệp, kinh doanh game online và điện thoại di động, sản phẩm thiết bị viễn thông, gần đây mới lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Ngoài dự án này, Saigontel còn là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn I và II với quy mô 96 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng tại Bắc Ninh, nhà xưởng cho thuê tại Đà Nẵng (15 ha). Bên cạnh đó, Công ty còn hợp tác phát triển dự án khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, thuộc khu kinh tế Chân Mây.
Doanh nghiệp này do ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) nắm quyền Chủ tịch, nên có thế mạnh trong việc phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp. Năm 2021, Công ty đạt doanh thu 706 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt gần 68 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần so với năm 2020.
Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư trên toàn cầu, các doanh nghiệp bước vào cuộc đua mở rộng quỹ đất khu công nghiệp.
Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) từ một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhà ở đã vươn sang mảng bất động sản khu công nghiệp với các dự án tại Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi.
Dự án bất động sản tại Dung Quất, Quảng Ngãi của PDR có quy mô 1.152 ha, trong đó 838 ha dành cho hạ tầng khu công nghiệp, còn lại là dịch vụ đô thị.
Được biết, PDR đặt mục tiêu phát triển thêm quỹ đất khu công nghiệp đến năm 2023 lên gần 6.000 ha tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Đồng Tháp.
KBC cũng thông tin, năm 2022, Công ty sẽ đẩy mạnh khai thác bất động sản khu công nghiệp. Hiện KBC đang tích cực xin cấp phép đầu tư tại 3 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 1.300 ha tại Hải Dương sau khi được bổ sung quy hoạch vào cuối năm 2021.
Trong đó, KBC đã nộp hồ sơ cấp phép đầu tư tại Khu công nghiệp Bình Giang 1 (150 ha), còn Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 đã nộp hồ sơ chờ chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. KBC đã hoàn tất đền bù giải toả hơn 100 ha và dự kiến có thể bắt đầu bàn giao từ quý II năm nay.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) đang tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp, với mục tiêu đưa vào khai thác 4.000 ha trong giai đoạn 2022 - 2024. Tổng công ty Đầu tư và phát triển khu công nghiệp (Becamex, mã BCM) cũng đang triển khai dự án Becamex- Bình Phước có tổng diện tích 4.600 ha, trong đó có khoảng 2.400 ha đất khu công nghiệp và 2.200 ha đất dịch vụ và đô thị.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, nguồn cung đất khu công nghiệp Việt Nam được mở rộng thêm 44.760 ha trong giai đoạn 2022 - 2025 để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong đó sẽ tập trung mở rộng tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
|
Giá cho thuê khu công nghiệp trong năm 2022 dự báo tăng từ 6-10%. |
Cơ sở cho những kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Việc Chính phủ triển khai nhanh chóng chiến dịch phủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân và chính sách thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, phục hồi kinh tế - xã hội đã tạo sự an tâm cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với làn sóng chuyển dịch của doanh nghiệp FDI trên toàn cầu, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam ngày càng tăng. Mới đây, Tập đoàn Samsung đã quyết định chi gần 920 triệu USD đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mới tại Thái Nguyên.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản năm 2022 sẽ tăng vọt tại phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics. Lĩnh vực này được săn đón trong vài năm qua và tiếp tục đà tăng trưởng khi các nhà máy bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để phát triển công nghiệp.
Triển vọng mảng bất động sản khu công nghiệp đã sáng lên trông thấy sau hai năm khó khăn vì Covid-19. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, giá thuê đất sẽ tăng 6 - 10% so với năm 2021 ở cả hai miền Nam, Bắc, trong bối cảnh nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, giá bất động sản khu công nghiệp có thể tăng trung bình 10% trên cả nước.
Khảo sát của VNDirect chỉ ra, giá thuê đất công nghiệp tại các thành phố vệ tinh thị trường phía Nam tăng khoảng 5,2% trong năm 2021. Thị trường nhà kho, nhà xưởng xây sẵn đang nổi lên với nguồn cung mới tăng đáng kể. Nhu cầu thuê cũng tăng cao, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 89,6%.
Còn tại phía Bắc, cầu tiếp tục vượt cung, dẫn đến tỷ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 tăng 2% so với cùng kỳ, lên 86,6%. Giá thuê đất trung bình tăng 6 - 8% so với cùng kỳ, lên 108 - 110 USD/m2/kỳ thuê.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà ngoài mảng kinh doanh lõi là cao su còn có mảng khu công nghiệp. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình (thành viên của PHR) có diện tích cho thuê 50.000 m2 sẽ đem về tổng doanh thu gần 270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng.
Becamex đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với thực hiện năm 2021. Cụ thể, mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.814 tỷ đồng, tăng 5% so với tổng doanh thu thực hiện năm 2021. Kế hoạch lãi trước thuế 1.664 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.381 tỷ đồng, tăng 25% so với số lãi thực hiện được năm 2021.
Trong khi đó, KBC, đơn vị đã sở hữu quỹ đất lớn đang đặt ra mục tiêu tham vọng trong năm 2022 với doanh thu đạt 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 127% và 474% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích nhận định, bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2022, được thúc đẩy nhờ mở rộng sản xuất diễn ra mạnh mẽ ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp cho các dịch vụ kho bãi và đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo giao thông thuận tiện kết nối các khu công nghiệp.