Sáng 22/2, UBND TP HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển dự án.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp như Nam Long, Lê Thành, Địa ốc Xanh, Quốc Cường Gia Lai... đã thẳng thắn trình bày những khó khăn riêng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết công ty có lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội 2.100 căn hộ tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Công ty Lê Thành nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành.
Công ty đã nộp hồ sơ xin Quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3 năm 2019 đến nay đã gần 1 năm nhưng vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư” do các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất công xen cài. Ông cho biết hiện các sở ngành đang loay hoay chưa tìm ra hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm CEO CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) nói rằng, doanh nghiệp có 6 dự án bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại lớn, đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91 ha.
|
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai. |
Đối với dự án này, bà Loan cho biết đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục, công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh.
"Các đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án của chúng tôi đã nản, muốn rút khỏi dự án. Chúng tôi rất đau lòng, không biết thủ tục dự án sẽ đi đâu về đâu", bà Loan nói.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (NVL) nói về dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh, quận 2. Novaland xin đề xuất với các Bộ, Sở ngành 2 phương án để giải quyết. Phương án 1, Novaland được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10.
Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá. Phương án 2, Novaland được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Sau khi nghe doanh nghiệp trình bày, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM bức xúc:
"Các sở, ban, ngành cần phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy được sự khó khăn của họ mới thấy bức xúc như thế nào. Các doanh nghiệp phải chờ đợi trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xây dựng. Chỉ một vấn đề nhỏ như trường hợp của Công ty Lê Thành mà kéo dài đến 11 tháng, trong khi hoàn toàn có thể giải quyết trong 1 tuần là do dự phối hợp của các sở trong việc giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp".
|
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM |
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể những vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ để triển khai dự án. Những vấn đề nào chưa trả lời được ngay, ông Phong đề nghị trong 10 ngày làm việc phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần giải pháp tổng thể của UBND TP, ông Phong đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ ý kiến; tham mưu thành phố có phương hướng tháo gỡ các điểm nghẽn.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần giải pháp tổng thể của UBND TP, ông Phong đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ ý kiến; tham mưu thành phố có phương hướng tháo gỡ các điểm nghẽn.
Ông Phong giao ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP lập tổ công tác họp hàng tuần, trước 30/4 phải giải quyết xong để tháng 6 còn tập trung xử lý vụ Thủ Thiêm. Nếu thời gian trong tuần không có thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, chủ nhật. Đồng thời, ông Phong nói cứ 3 tháng một lần, lãnh đạo UBND TP và các doanh nghiệp bất động sản sẽ làm việc cùng nhau để tháo gỡ các vướng mắc.