Trong năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng (tăng 51,6% so cùng kỳ). Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trong quý 2 với khoảng hơn 70,9 nghìn tỷ đồng (tăng vọt 127% so với quý 1) và quý 3 khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 52 nghìn tỷ đồng trong quý 4.
Còn FiinRatings ước tính con số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 nhỉnh hơn với 235 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn chiếm khá lớn với 100 nghìn tỷ đồng, tức chiếm 42%.
Theo báo cáo tài chính năm 2022, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết có dư nợ trái phiếu ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022. Đơn cử như Vingroup, vay nợ tài chính lên tới hơn 168 nghìn tỷ đồng, trong đó có tới 40% là trái phiếu với 67,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so đầu năm).
Còn Novaland vay nợ 64,5 nghìn tỷ đồng (tăng 6,7% so đầu năm), riêng dư nợ trái phiếu chiếm 68% với 44,1 nghìn tỷ đồng (18,4 nghìn tỷ ngắn hạn). Đất Xanh cũng ghi nhận 2,2 nghìn tỷ vay nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2022, chiếm 39% vay nợ tài chính (5,77 nghìn tỷ). Nam Long cũng có khoản vay nợ trái phiếu chiếm mức cao tới 58% tổng vay nợ, tương ứng hơn 3 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dài hạn, chỉ 449 tỷ đáo hạn tháng 6/2023…
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ VCBS, tại thời điểm ngày 11/1/2023, top 10 doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu cao nhất khi chiếm 248,3 nghìn tỷ đồng, trong đó Vạn Thịnh Phát lớn nhất với 103,8 nghìn tỷ đồng, Đất Xanh 1,2 nghìn tỷ và Sơn Kim 1 nghìn tỷ đồng và loạt 'ông lớn' khác.
Vì sao doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao?
Về tình hình chậm trả, tính đến ngày 17/3/2023, theo FiinRatings đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong đó có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu chậm trả nợ ở mức 78,9 nghìn tỷ đồng.
Dù không nằm trong top có dư nợ trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng, song cũng có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng bị nêu tên trong việc chậm thanh toán lãi và mua lại trái phiếu trước hạn gần đây như Novaland, Trung Nam, Hưng Thịnh, Đất Xanh miền Nam, Đầu tư Hải Phát, Sapphire Coast, Tập đoàn Danh Khôi…
Bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17% cao thứ hai sau ngành năng lượng. Tuy nhiên, ngành bất động sản có quy mô lưu hành lớn nhất ở mức 396,3 nghìn tỷ, chiếm 33,8% tổng giá trị trái phiếu lưu hành. Thực tế, trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%.
Phân tích của FiinRatings dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 tổ chức phát hành bất động sản chậm trả cho thấy đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình - thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản có mức tăng khiêm tốn từ 25 nghìn tỷ đồng (2017) lên 33 nghìn tỷ đồng (2021).
Trong khi đó, khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần. Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần.
Trong một thời gian dài, Nợ vay trên tương quan với lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận không gần với dòng tiền tạo ra mới trong kỳ) ở mức rất cao, lên tới 30,5 vào năm 2020 lần và 23,5 lần vào năm 2021. Đây là mức quá cao so với kỳ hạn bình quân của một trái phiếu và các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp này.
Nhìn chung, bên cạnh các yếu tố tác động chung của môi trường kinh doanh như chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, kênh huy động trái phiếu suy giảm mạnh, pháp lý dự án bị đình trệ hoặc thay đổi chính sách… thì các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng trên đều có chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ.
Đơn cử như việc các doanh nghiệp đã sử dụng mức đòn bẩy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tồn kho hoàn thành dẫn đến rủi ro thanh khoản ở mức Cao và Rất cao. Ngoài ra, một điểm nữa là kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.
Về xu hướng tình hình trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024, FiinRatings cho rằng vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản (302 doanh nghiệp), chiếm khoảng 50% trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành tại thời điểm 8/3/2023.
Theo FiinRatings, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh dần được cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực 107,5 nghìn tỷ sẽ đáo hạn năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả.
TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, với khoảng hơn 70 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2 thực sự là con số lớn, nhưng đang được “tháo gỡ” từ từ theo Nghị quyết 33 và Nghị định 08. Từ đó doanh nghiệp có thể chơi bài hoán đổi, tức đổi trái phiếu sang cổ phiếu, đổi trái phiếu sang bất động sản, hoặc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ cũ... Nhưng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cũng phải tự tái cơ cấu chính mình, làm lành mạnh bức tranh tài chính, hoạt động kinh doanh.
Loạt doanh nghiệp được trái chủ cho gia hạn
Trong hoàn cảnh trái phiếu sắp đến hạn, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên đã chủ động đàm phán và ký gia hạn với trái chủ thay đổi kỳ trả lãi cũng như kéo dài thời điểm đáo hạn để sắp xếp nguồn tiền như Novaland, Khải Hoàn Land, Hưng Thịnh…
Cụ thể, Novaland đã được đại diện các trái chủ chấp thuận gia hạn thời gian trả nợ với các lô trái phiếu từ 3 tháng đến 2 năm. Trong đó, lô trái phiếu NVLH2123010 trị giá 1.000 tỷ đồng được gia hạn từ ngày 17/3 sang ngày 19/6, tức kéo dài kỳ hạn thêm 3 tháng.
Còn với lô trái phiếu NVLH2124002 có giá trị 250 tỷ đồng được kéo dài kỳ hạn thêm một năm, tức sẽ gia hạn ngày đáo hạn từ 26/4/2024 sang ngày 26/4/2025. Dài hơi hơn, lô trái phiếu NVLH2224006 có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, được nới thời gian thanh toán thêm 2 năm, tức đổi ngày đáo hạn từ 15/3/2024 sang ngày 15/3/2026. Như vậy, Novaland đã được các trái chủ gia hạn thành công 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.750 tỷ đồng, giúp giải tỏa một phần áp lực dòng tiền ngắn hạn cho tập đoàn địa ốc này.
Hưng Thịnh Land cũng được điều chỉnh gia hạn 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 900 tỷ đồng. Trong đó, lô trái phiếu H79CH2123002 có giá trị 400 tỷ đồng kỳ hạn 24 tháng, dự kiến đáo hạn vào ngày 19/3. Hưng Thịnh Land đã được chấp thuận chuyển kỳ hạn sang 30 tháng, đồng nghĩa hạn chót thanh toán đến ngày 19/9 tới. Diễn biến tương tự cho lô trái phiếu HTLAND.2020.TV01 có giá trị 500 tỷ đồng, được điều chỉnh ngày đáo hạn từ 20/3 sang 20/10 năm nay (gia hạn thêm 7 tháng).
Khải Hoàn Land cũng vừa tiết lộ, đầu tháng 4 có gói trái phiếu 300 tỷ đồng đến hạn. Tuy nhiên, để duy trì ổn định chờ thị trường bất động sản ổn định, Khải Hoàn Land cũng xin trái chủ gia hạn. Các trái chủ nghe kế hoạch kinh doanh, dòng tiền, các dự án đã ký kết, thì trái chủ an tâm và đa số đồng ý cho KHG gia hạn gói trái phiếu tới.
|