4 tháng liên tiếp, miền Nam không có nguồn cung condotel

Ở phân khúc condotel, miền Bắc và miền Trung vẫn là khu vực dẫn đầu nguồn cung trong tháng 4. Riêng miền Nam, 4 tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới.

Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) tháng 4 của DKRA Group cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp nối chuỗi ngày "ngủ đông" khi hầu hết các phân khúc đều có lượng giao dịch, nguồn cung ở mức rất thấp.

Trong đó, ở phân khúc condotel (căn hộ du lịch), trong tháng chỉ có 2 dự án (1 dự án mới và 1 dự án ở giai đoạn tiếp theo) với 84 căn, giảm hơn 58% so với tháng 3 và giảm 17% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ mới đạt 32 căn, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ 38%.

Đáng chú ý, miền Bắc (46 căn) và miền Trung (38 căn) vẫn là khu vực dẫn đầu nguồn cung. Riêng miền Nam tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới trong 4 tháng liên tiếp.

4 thang lien tiep, mien Nam khong co nguon cung condotel

Căn hộ du lịch tại dự án The Arena Cam Ranh. Ảnh: The Arean

Sức cầu thị trường mặc dù có sự hồi phục nhưng không đáng kể. Lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung, chiếm 94% lượng tiêu thụ cả nước. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, những chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng rộng rãi để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Tại miền Bắc, giá bán sơ cấp thấp nhất là 31 triệu đồng/m2, cao nhất là 56,1 triệu đồng/m2. Dù thị trường ảm đạm nhưng giá bán ở miền Nam lại rất cao với mức giá sơ cấp thấp nhất là 109,6 triệu đồng/m2, cao nhất lên tới 139,4 triệu đồng/m2.

Những dự án có pháp lý đầy đủ, được vận hành bởi thương hiệu quốc tế 4-5 sao vẫn được thị trường ưu tiên lựa chọn và có tình hình bán hàng tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Dự kiến, trong tháng 5, nguồn cung và sức cầu thị trường sẽ tiếp tục sự hồi phục nhờ những thông tin tích cực từ Chính phủ, tuy nhiên sẽ không có nhiều đột biến trong ngắn hạn.

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tính đến cuối năm 2022, chỉ riêng condotel, cả nước có khoảng 83.000 căn chờ cấp giấy chứng nhận, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50-70 năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhìn nhận, hơn 10 năm qua, các loại hình BĐS mới như officetel, shophouse, condotel đều đang vướng pháp lý ở khâu cấp giấy chứng nhận. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua và doanh nghiệp, mà còn tác động tiêu cực đến tính minh bạch của thị trường.

Nghị định 10 được Chính phủ ban hành là tin tốt đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng, tuy nhiên, cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện. Bởi nghị định mới chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú theo quy định của pháp luật về du lịch. Trong khi, còn nhiều loại công trình sử dụng vào mục đích lưu trú theo quy định của pháp luật về nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Vì vậy, cần khái quát việc cấp giấy chứng nhận với tất cả các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ để thống nhất việc quản lý. Điều này cũng là tạo sự công bằng giữa các loại hình BĐS mới về chức năng và pháp lý.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đánh giá, Nghị định 10 này có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng, giúp hàng trăm dự án tại các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.... gỡ vướng về pháp lý. Từ đó, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vốn được đánh giá rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch VARS cho rằng, nghị định cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, dễ xử lý. Bởi, trong thời gian qua, việc thiếu hành lang pháp lý khiến nhiều địa phương lúng túng trong cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng.

Theo Vũ Phạm/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN