Năm 1983, ông Nguyễn Hòa mua 1 lô đất rộng 1.800 m2, nay thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 1986, UBND huyện Ea H'leo thu hồi toàn bộ diện tích đất của ông Hòa nhưng không có quyết định thu hồi, không bồi thường mà chỉ thông báo bằng miệng, yêu cầu gia đình ông di dời nhà cửa đi nơi khác.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Đến năm 1992, thấy khu đất bỏ hoang, ông Hòa đã lấy lại được 782 m2 trong phần đất này và đã được nhà nước cấp sổ đỏ. Với diện tích còn lại, ông Hòa đã gửi nhiều đơn thư đến các cấp để đòi lại.
Khu "đất vàng" của ông Hòa bị thu hồi trái pháp luật
Năm 2009, ông Lê Đức Quang, lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của ông Hòa. Mặc dù hồ sơ việc mua đất của ông Hòa vào năm 1983 đã được chính quyền chứng thực, ký xác nhận và vẫn còn tại cơ quan nhà nước nhưng UBND huyện Ea H’leo đã viện nhiều lý do để bác đơn khiếu nại của ông Hòa. Năm 2010, ông Y Dhăm Ênuôl, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ban hành quyết định giải quyết kiếu nại lần 2 và vẫn giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND huyện.
Không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại của chính quyền tỉnh Đắk Lắk, ông Hòa làm đơn gởi các cơ quan trung ương. Từ chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra, rà soát lại vụ việc của ông Hòa.
Năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, cho thấy khi thu hồi đất của gia đình ông Hòa, UBND huyện Ea H'leo không ban hành quyết định thu hồi đất, không bồi thường về đất cũng như không bồi thường về hoa màu và tài sản trên đất.
Khu đất hiện đang bỏ hoang
Sau khi hủy 2 quyết định giải quyết kiếu nại nói trên, năm 2018, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, công nhận nội dung việc nhà nước thu hồi diện tích đất của ông Hòa nhưng chưa bồi thường và giao UBND huyện Ea H’leo lập phương án bồi thường diện tích hơn 876 m2 đất (hiện còn).
"Việc giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo (vào năm 2009 - PV) đã bỏ sót nhiều tình tiết quan trọng làm thay đổi bản chất vụ việc, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Nguyên Hòa" - quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk nêu.
Đơn vị thẩm định đưa giá gần 12 tỉ đồng, huyện bồi thường 3,9 tỉ đồng
Ông Nguyễn Hòa cho biết khu vực đất này đã quy hoạch khu dân cư, UBND huyện Ea H’leo không sử dụng vào mục đích công cộng mà cho đơn vị tư nhân thuê thì đề nghị trả lại cho gia đình. Còn nếu không trả lại đất thì đề nghị cơ quan chức năng bồi thường theo giá thị trường hiện nay.
Đơn vị được huyện thuê thẩm định giá đưa ra mức giá gần 12 tỉ đồng nhưng huyện không chấp thuận
Tại buổi đối thoại công dân cuối tháng 12-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh đã giao UBND huyện Ea H’leo thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường ở khu vực của ông Hòa để phê duyệt bồi thường đất. "Đất của tôi có 20 m chiều ngang mặt đường, giá thị trường hiện khoảng 900 triệu đồng/m nên tôi không chấp nhận phương án bồi thường hơn 3,9 tỉ đồng của UBND huyện Ea H’leo" - ông Hòa cho biết.
Theo ông Hoàng Văn An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ea H’leo, năm 2019, huyện đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hơn 2,7 tỉ đồng nhưng ông Hòa không đồng ý. Đến tháng 9-2021, huyện đã điều chỉnh và phê duyệt phương án bồi thường hơn 3,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng mức bồi thường này chưa tương xứng với giá thị trường nên tiếp tục khiếu nại lên tỉnh. Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã về làm việc và huyện bảo lưu quan điểm trong phương án đã phê duyệt.
Ông Nguyễn Hòa 36 năm đi đòi khu "đất vàng"
Ông An cũng thừa nhận sau khi cấp trên yêu cầu phải bồi thường cho ông Hòa theo giá thị trường, huyện đã thuê 1 đơn vị thẩm định giá độc lập nhưng họ đưa ra mức giá quá cao, gần 12 tỉ đồng và không có cơ sở để chấp thuận.
"Huyện đưa ra 3 phương án tính giá đất cho ông Hòa và xin ý kiến Sở TN-MT, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, huyện chỉ nhận được ý kiến của Sở TN-MT nhưng cũng không có hướng dẫn cụ thể nên rất khó thực hiện" - ông An giải thích.