Đài Loan đã học được bài học về đối phó động đất ra sao?

Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/4 hứng chịu trận động đất mạnh nhất trong 25 năm qua. Trận động đất mạnh 7,2 độ richter khiến một số tòa nhà đổ sập, hư hại và khiến 9 người chết, ít nhất 1.000 người bị thương.

Một tòa nhà bị nghiêng ở Đài Loan sau trận động đất hôm 3/4.

Theo trang PBS, Đài Loan không xa lạ gì với các trận động đất cường độ lớn nhưng thiệt hại đối với 23 triệu cư dân trên đảo về cơ bản được kiểm soát nhờ sự chuẩn bị tốt.

Vì sao Đài Loan thường hứng chịu động đất?

Đài Loan nằm dọc theo “Vành đai lửa” Thái Bình Dương - đường đứt gãy địa chất bao quanh Thái Bình Dương - nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới.

Khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi động đất do sự tương tác của hai mảng kiến tạo, mảng Philippine và mảng Á-Âu. Những sự tương tác này hình thành những trận động đất.  Địa hình đồi núi tại một số khu vực ở đảo Đài Loan cũng càng khiến tác động của các trận động đất trở nên tồi tệ hơn.

Một số vụ lở đất đã được ghi nhận ở vùng ven biển phía đông Đài Loan, gần tâm chấn của trận động đất xảy ra ngày 3/4. Các mảnh đất đá rơi xuống đường phố, đè bẹp xe cộ và khiến một số người thiệt mạng.

Đài Loan đã có sự chuẩn bị ứng phó động đất như thế nào?

Trận động đất hôm 3/4 được xác định có cường độ 7,2 độ richter, theo cơ quan giám sát động đất của Đài Loan. Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đưa ra con số là 7,4.

Trận động đất mạnh nhất trong 25 năm qua ở Đài Loan đã gây hư hại cho nhiều tòa nhà ở huyện Hoa Liên nhưng chỉ gây thiệt hại nhỏ ở thành phố Đài Bắc mặc dù cảm nhận về động đất ở đó rất mạnh.

Trận động đất xảy ra vào giữa giờ cao điểm buổi sáng nhưng chỉ làm gián đoạn một chút việc đi lại thường nhật. Chỉ vài phút sau, các bậc phụ huynh lại đưa con đến trường và các công nhân lái xe đến văn phòng.

Công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan thông báo đã khôi phục 70% năng suất sản xuất chip, không lâu sau trận động đất.

Stephen Gao, nhà địa chấn học và là giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri ở Mỹ, nói: "Sự chuẩn bị ứng phó động đất của Đài Loan thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới”. 

“Hòn đảo đã thực thi các quy định xây dựng nghiêm ngặt, xây dựng mạng lưới giám sát địa chấn hàng đầu thế giới và có các chiến dịch giáo dục cộng đồng sâu rộng về đảm bảo an toàn trong động đất", ông Gao nói thêm.

Nhà chức trách hòn đảo liên tục điều chỉnh mức độ chống động đất cần thiết của các tòa nhà xây mới dù điều này có thể làm tăng chi phí xây dựng. Đài Loan cũng có hình thức hỗ trợ để người dân kiểm tra khả năng chống động đất của các căn nhà xây dựng từ lâu.

Sau trận động đất năm 2016 ở thành phố Đài Nam, phía tây nam đảo Đài Loan, 5 người đã bị kết án tù sau vụ một tòa nhà chung cư 17 tầng đổ sập. Đây là tòa nhà cỡ lớn duy nhất bị sập khi đó.

Đài Loan cũng đẩy mạnh các cuộc diễn tập động đất tại các trường học và công sở trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đưa tin về động đất và cách thức đảm bảo an toàn.

Ông Gao cho biết: “Những biện pháp này đã tăng cường đáng kể khả năng chống chịu của Đài Loan trước động đất, giúp giảm thiểu khả năng xảy ra thiệt hại thảm khốc và tổn thất về người", ông Gao nói.

Bài học từ thảm kịch động đất năm 1999

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Đài Loan và các khu vực lân cận đã ghi nhận khoảng khoảng 2.000 trận động đất có cường độ từ 4 độ richter trở lên kể từ năm 1980 và hơn 100 trận động đất có cường độ trên 5,5 độ richter.

Trận động đất tồi tệ nhất ở Đài Loan trong những năm gần đây xảy ra vào ngày 21 tháng 9 năm 1999 với cường độ 7,7 độ richter. Thảm kịch động đất khiến 2.400 người chết, khoảng 100.000 người bị thương và phá hủy hàng nghìn tòa nhà.

Daniel Aldrich, giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học Northeastern ở Mỹ, nói thảm kịch này là lời cảnh tỉnh dẫn đến những sự thay đổi sâu rộng ở Đài Loan trong việc cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp và giảm thiểu thiên tai.

"Đài Loan từng bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ trong thảm kịch động đất năm 1999. Các đội ứng phó khẩn cấp khi đó mất nhiều giờ để tới hiện trường trong khi lực lượng cứu hộ thiếu đào tạo và hoạt động phối hợp giữa các cơ quan ở hòn đảo không được tốt", ông Aldrich nói.

Kết quả là nhà chức trách Đài Loan đã thông qua đạo luật phòng chống và bảo vệ trước thiên tai, thành lập hai trung tâm lớn để điều phối và đào tạo về cách ứng phó khi xảy ra động đất.

“Tôi nghĩ chúng ta đang thấy kết quả khác biệt ở Đài Loan so với cú sốc về thảm kịch động đất năm 1999,” ông Aldrich cho biết.

Nhật Minh - PBS

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN